Đăk Hà: Nhiều công trình thuỷ lợi bị xâm hại

24/03/2017 14:14

​Huyện Đăk Hà đang phải đối mặt với một thực trạng đáng buồn xuất phát từ ý thức của người dân, đó là việc vứt rác bừa bãi làm tắc nghẽn dòng chảy hệ thống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường sống; hay tự ý đục phá kênh mương thủy lợi để dẫn nước về ruộng của gia đình…

Huyện Đăk Hà hiện có khoảng gần 19.000ha đất sản xuất; trong đó, có khoảng hơn 1.910ha cây trồng vụ đông xuân và trên 8.000ha cà phê cần nguồn nước tưới trong mùa khô 2017. Để chủ động trong công tác điều tiết nước, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới cho các loại cây trồng, ngay từ đầu mùa khô năm 2017, UBND huyện Đăk Hà đã xây dựng Phương án điều tiết nước phù hợp với tình hình của các hồ chứa.

Một trong những giải pháp của huyện là tập trung tu bổ, nạo vét kênh mương và các công trình lấy nước, sửa chữa các trạm bơm… Chưa kịp vui mừng vì hiệu quả mà các giải pháp mang lại, huyện Đăk Hà đã phải đối mặt với một thực trạng đáng buồn xuất phát từ ý thức của người dân, đó là việc vứt rác bừa bãi làm tắc nghẽn dòng chảy hệ thống kênh mương, gây ô nhiễm môi trường sống; hay tự ý đục phá kênh mương thủy lợi để dẫn nước về ruộng của gia đình…

Đăk Hà có nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng vi nhiều công trình thủy lợi bị xâm hại. Ảnh: T.H

 

Đơn cử, ở xã Hà Mòn, tình trạng rác dồn ứ trên các tuyến kênh cuối nguồn thuộc khu vực thôn 4, thôn Hải Nguyên đã trở nên phổ biến. Công ty Cà phê Đăk Uy đã phải thành lập riêng 1 đội để chuyên thu gom rác và nạo vét tại các tuyến kênh, khơi thông dòng chảy, nhưng chỉ được vài ngày, rác ở khắp nơi lại dồn về gây tắc nghẽn, từ bao ni-lon, khúc gỗ, cây chuối cho đến xác động vật bốc mùi hôi thối...

Ông Đoàn Văn Bình - Phó Giám đốc Công ty Cà phê Đăk Uy chia sẻ: Thời gian qua, tình trạng rác thải từ đầu nguồn, với đủ loại động, thực vật và các loại tạp chất khác người dân xả xuống rất nhiều. Do vậy, công ty đã phải cử lực lượng túc trực để vớt rác, nhất là vào những thời điểm rác dồn ứ, không thể vớt bằng thủ công, công ty phải thuê máy múc, phương tiện vận chuyển múc rác đổ lên xe và đưa đi xử lý.

Ông Ngô Văn Thiết ở thôn 4 xã Hà Mòn – một hộ dân sống gần khu vực cuối kênh cũng bức xúc chia sẻ: Chúng tôi sống ở đây bị ảnh hưởng rất nhiều, vì mùi hôi thối bốc lên không chịu được. Thấy bên công ty thuê người vớt rác nhưng được vài ngày rác lại tràn ngập mương. Mỗi lần tưới cà phê dẫn nước từ mương lên, rác chặn dòng chảy cũng không đủ nước tưới.

Xã Đăk Ui có 8 công trình thủy lợi lớn nhỏ đang cung cấp nước cho hàng trăm héc ta cây trồng trên địa bàn xã nhưng không có công trình nào là không bị người dân tự ý đục phá, khoét lỗ để dẫn nước về ruộng của mình. Những hành động này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều tiết nước trên địa bàn, gây hư hại các công trình thủy lợi của Nhà nước, làm thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Ông Ngô Hồng Hưng - Chủ tịch UBND xã Đăk Ui cho biết: Việc đục phá kênh mương dẫn đến một số hộ dân phía cuối tuyến thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến sản xuất. UBND xã đã chỉ đạo Ban quản lý thôn và các ban, ngành, đoàn thể thôn đi kiểm tra để xác định hiện trạng các công trình, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với Ban quản lý thôn tổ chức họp toàn thể nhân dân để tuyên truyền vận động nhân dân không được đục phá kênh mương nữa. Đối với những chỗ đã bị đục phá hư hại, người dân phải có ý thức trám lại để đảm bảo nước tưới.

Theo dự báo, tình trạng hạn hán trong mùa khô 2017 sẽ diễn ra gay gắt và phức tạp. Bên cạnh nỗ lực tìm giải pháp điều tiết nước tưới của chính quyền huyện, người dân trên địa bàn cũng cần nâng cao hơn nữa nhận thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, có ý thức giữ gìn và bảo vệ các công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước tưới cho các loại cây trồng.

Thu Hương

Chuyên mục khác