Đăk Hà: Người dân tích cực phòng, chống cháy rừng

04/04/2021 13:10

Những năm gần đây, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gắn với giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư tại huyện Đăk Hà đã trực tiếp làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ gắn với phòng chống cháy rừng.

Do tập quán canh tác còn lạc hậu, những năm trước đây, đời sống kinh tế của trên 200 hộ đồng bào DTTS thôn Krông Đuân, xã Đăk Pxi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Thôn luôn là khu vực trọng điểm xảy ra nhiều vụ cháy rừng do quá trình bà con phát rừng làm rẫy, để cháy lan sang diện tích rừng phòng hộ. Từ ngày thành lập tổ tự quản, hoạt động quản lý bảo vệ rừng được bà con trong thôn tích cực tham gia.

Theo anh A Tum - Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Krông Đuân, định kỳ hàng tuần, 15 hộ dân thuộc Tổ cộng đồng tự quản về bảo vệ rừng của thôn tổ chức phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa tại phần rừng được giao khoán thuộc lâm phần quản lý của Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Trưa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà.

Cán bộ xã thường tuyên truyền cho bà con trong thôn về công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đó mình hiểu phải bảo vệ rừng, không để cháy, không cho người ta phá cây cối, săn bắt thú rừng. Khi phát rẫy gần rừng phòng hộ thì phải làm đường ranh cản lửa, khi đốt thì phải canh lửa để không cháy lây lan sang chỗ khác - A Tum chia sẻ.

Người dân phát dọn thực bì, làm ranh cản lửa trên diện tích rừng nhận khoán bảo vệ. Ảnh: T.N

 

Theo ông Phan Văn Học - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, toàn xã hiện có trên 22.000 ha rừng, để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, xã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà và các đơn vị chủ rừng thành lập 5 tổ cộng đồng dân cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng, trung bình mỗi tổ tự quản có 12 - 15 thành viên.

Tham gia quản lý bảo vệ rừng, người dân được chấm công và chi trả 50% phí dịch vụ quản lý, bảo vệ rừng để phục vụ tuần tra, bảo vệ rừng, 20% đưa vào quỹ các thôn và 30% lập quỹ sinh kế. Từ quỹ sinh kế này, bà con được vay không lãi suất trong thời hạn từ 1 - 2 năm để trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, hoặc phát triển các mô hình chăn nuôi. Đây cũng là cơ sở quan trọng để người dân hướng tới lối canh tác bền vững, phát triển sinh kế dựa vào rừng - ông Phan Văn Học cho biết thêm.

Hiện nay, từ tiền dịch vụ quản lý bảo vệ rừng và được tiếp cận nguồn quỹ sinh kế của cộng đồng dân cư, gia đình chị Y Sinh tại thôn Krông Đuân đang tập trung thâm canh hơn 700 cây cà phê, gần 1.000m2 ruộng lúa, mùa mưa thì có thể lấy thêm măng le trên rừng về bán lấy tiền cải thiện đời sống gia đình, cái nghèo không còn là nỗi lo như trước đây nữa.

Không chỉ ở xã Đăk Pxi, để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, huyện Đăk Hà thành lập 21 tổ cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng với trên 300 hộ dân. Việc đảm bảo được quyền lợi về kinh tế từ nguồn kinh phí dịch vụ quản lý bảo vệ rừng đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, phát huy được hiệu quả công tác phối hợp trong phòng chống cháy rừng giữa các đơn vị chủ rừng, địa phương và người dân.

Đánh giá về hiệu quả công tác giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Đăk Hà, ông Phạm Ngọc Nhẫn - Trưởng ban BQL rừng phòng hộ Đăk Hà cho biết: Đây là chủ trương rất hợp lý của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Riêng đối với đơn vị đã thực hiện giao khoán cho các cộng đồng dân cư đạt trên 62% diện tích rừng quản lý. Các cộng đồng dân cư đều có ý thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ đó triển khai tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra trên diện tích được giao nhận khoán. Từ đầu mùa khô 2020-2021 đến nay, không xảy ra vụ cháy rừng hoặc phát rừng làm rẫy nào trên toàn bộ lâm phần đơn vị quản lý.

Đang là thời gian cao điểm, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở huyện Đăk Hà ở cấp độ 5, công tác kiểm soát, chủ động phòng chống cháy rừng của địa phương luôn được đảm bảo, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Để có được kết quả này, bên cạnh sự chủ động của địa phương và các đơn vị chủ rừng, vai trò của người dân và cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng, nhất là khi người dân nhận thức được rõ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.  

Trọng Nghĩa

Chuyên mục khác