Đăk Hà: Người chăn nuôi lao đao vì dịch bệnh

22/11/2019 06:02

Người xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, song với những người chăn nuôi tại huyện Đăk Hà những năm qua, khái niệm “ăn cơm nằm” đã không còn tồn tại. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đến đâu, thì người chăn nuôi phải lo lắng đến đấy, lãi đâu chưa thấy, mà khoản nợ cứ gối đầu tăng lên hàng ngày...

Nhìn dãy chuồng trại mới đầu tư xây dựng gần 1 tỷ đồng, cùng với khoản nợ mua giống, cám lên đến hàng trăm triệu đồng đến ngày phải trả, trong khi không thể tái đàn cho thị trường Tết, ông Trần Quang Thiếu (thôn 3, xã Đăk La) thở dài thườn thượt. Hơn mười năm nuôi lợn, chưa bao giờ ông Thiếu lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, gần nửa số lợn trong chuồng trại đã chết vì dịch tả lợn Châu Phi, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 2 tấn. Dù có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, song việc dịch bệnh xảy ra quá nhanh khiến cho gia đình không khỏi bàng hoàng.

Ông Trần Quang Thiếu cho biết: Sau đợt dịch bệnh, tôi đã tìm hiểu và chủ động nhiều phương án phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chức năng với hy vọng vớt vát lại được ít tiền cám và tiền đầu tư lợn giống, nhưng đến ngày 2/11 mới đây, gần 30 con lợn thịt sắp đến ngày xuất chuồng lại tiếp tục đổ bệnh, phải mang tiêu hủy.

Trong lộ trình xã Đăk La xây dựng và đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2016, nghề chăn nuôi đã và đang đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động của địa phương. Có thể nói, chăn nuôi là một mắt xích quan trọng góp phần giúp xã hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, song những năm gần đây, các loại dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc diễn biến ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân.

Tiêu hủy lợn bị dịch bệnh. Ảnh: XB

 

Ông Lê Trường Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La thông tin: Từ ngày 28/12/2018 đến ngày 18/3/2019, dịch lở mồm long móng bùng phát đã gây thiệt hại cho trên 50 hộ dân với tổng số 1.414 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng phải tiêu hủy trên 57,45 tấn. Trong khoảng từ ngày 9/8/2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đến nay, toàn xã có 20 hộ chăn nuôi khác bị thiệt hại với tổng số 816 con lợn thịt, tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 43,4 tấn. Đáng nói hơn, từ những thiệt hại nhãn tiền về kinh tế, việc tái đàn và duy trì phát triển nghề chăn nuôi đang đứng trước vô vàn những khó khăn.

Cùng cảnh ngộ với các hộ dân xã Đăk La, từ tháng 8/2019 đến đầu tháng 11/2019, 80 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn xã Đăk Ngọk đã bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế do dịch tả lợn Châu Phi, với 26,5 tấn lợn thịt bị tiêu hủy cùng khoản nợ hàng tỷ đồng đổ lên đầu hộ chăn nuôi. Điển hình như gia đình chị Vũ Thị Mây, thôn Đăk Lộc, xã Đăk Ngọk, cách đây nửa năm, khi dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát, gia đình chị gánh chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng do phải tiêu hủy 4 con lợn nái và đàn lợn thịt trên 60 con sắp xuất chuồng. Dịch lở mồm long móng trôi qua, chị lại đi vay tiền để đầu tư tái đàn, hy vọng bù đắp lại khoản lỗ trước đó, song mới đây, đàn lợn gần 100 con mới đạt trọng lượng 50-60 kg, chuẩn bị xuất chuồng thì cả khoản vốn đầu tư của gia đình lại bị “cơn bão dịch tả” cuốn trôi.

Chứng kiến cảnh giá lợn thương phẩm trên thị trường đang ở mức cao như hiện nay, nhiều hộ không khỏi tặc lưỡi tiếc rẻ. Càng tiếc hơn khi nhìn cơ ngơi trang trại đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng đang phải bỏ trống. Xót xa, lo lắng… là tâm lý chung của hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Bà Lưu Thị Thanh - Tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà cho biết: Gia đình tôi đang cố gắng tận dụng hệ thống chuồng trại gần 1.000m2 với tổng vốn đầu tư trên 600 triệu đồng để chăn nuôi 200 con gà, vịt. Song cũng không tránh khỏi nỗi lo lắng thường trực vì ngoài dịch bệnh trên đàn lợn, các loại bệnh dịch khác cũng có thể xuất hiện và bùng phát bất cứ lúc nào.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo đó, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi sẽ được hỗ trợ 25.000đ/kg đối với lợn con, lợn thịt và 30.000đ/kg đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Quyết định 793/QĐ-TTg sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Theo Quy định này, toàn huyện  Đăk Hà cần nguồn kinh phí trên 8 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay, việc hỗ trợ cho người nông dân vẫn chậm trễ do chưa có kinh phí.

Trong khi chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, việc người chăn nuôi lao đao do phải đối mặt với gánh nặng nợ nần là điều không thể tránh khỏi, khi mà khả năng tái đàn, ổn định sản xuất cho thị trường lợn thịt Tết hiện nay gần như là không thể.                                 

Trọng Nghĩa

Chuyên mục khác