Đăk Hà: Mở rộng phát triển thương hiệu sản phẩm từ Chương trình OCOP

09/05/2020 06:02

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm qua, UBND huyện Đăk Hà tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho một bộ phận người lao động ở địa phương. Chính vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có những sản phẩm đặc trưng, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Theo ông Ka Ba Thành – Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, xác định Chương trình OCOP là chương trình tạo ra động lực mới phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Để tạo những biến chuyển, trong công tác tuyên truyền, UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020; Quyết định số 1329/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND tỉnh ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; các văn bản của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT quy định, hướng dẫn thực hiện quản lý an toàn thực phẩm nhằm giúp người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn nắm bắt và thực hiện.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga (giữa) tham quan cơ sở sản xuất cà phê bột Sáu Nhung. Ảnh: VN

 

Kế thừa các chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm trước đó và thông qua việc thực hiện Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm trên địa bàn như: Cây ăn trái (cam sành, sầu riêng) Ngọc Wang, cà phê Pô Kô Farm (Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ công bằng Pô Kô), cà phê bột Sáu Nhung (Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Sáu Nhung), nấm ăn, nấm dược liệu (Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nông nghiệp Cựu quân nhân Đăk Hring), rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy (xã Đăk Ngọk), đặc sản gạo Đăk La (xã Đăk La), gà thả vườn (xã Hà Mòn), cà phê bột Hải Tình (Hợp tác xã kiểu mới sản xuất nông nghiệp – dịch vụ thương mại Hải Tình), tinh bột nghệ cao cấp Lê Lai (xã Đăk Hring)... có bước phát triển, đáp ứng được yêu cầu thị trường trong và ngoài huyện. Đặc biệt, sản phẩm cà phê Pô Kô Farm đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính như châu Âu. 

Trao đổi về phát triển sản phẩm truyền thống, ông Hà Văn Nhụy (xã Đăk Ngọk) – chủ cơ sở thương hiệu rượu nghè nếp cẩm Đức Nhụy khẳng định, UBND xã Đăk Ngọk có nhiều hoạt động giúp gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy. Sản phẩm rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy được người dân trong vùng tín nhiệm và ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm nay, gia đình dự kiến chuyển đổi 5 sào đất trồng cà phê già cỗi, năng suất thấp sang việc cải tạo thành ruộng nước trồng nếp cẩm để sản xuất rượu ghè và gạo nếp phục vụ người tiêu dùng ở địa phương.

Trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu theo Chương trình OCOP, sản phẩm cà phê Sáu Nhung của Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Sáu Nhung tạo dấu ấn tốt đẹp ở địa phương. Ông Nguyễn Tri Sáu – Giám đốc Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Sáu Nhung quả quyết, qua việc tham gia thực hiện Chương trình OCOP, sản phẩm cà phê rang xay, cà phê hòa tan... của hợp tác xã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... Nhiều đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam và các tỉnh, thành trong nước đến tham quan và tìm hiểu mô hình Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Sáu Nhung. Thông qua việc mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu của hợp tác xã tăng đều qua các năm.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện Ka Ba Thành cho biết, trong thời gian đến, UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; có kế hoạch đào tạo, tập huấn, hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết để các sản phẩm của địa phương không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao đời sống người dân. UBND huyện cũng xác định, việc thực hiện tốt Chương trình OCOP sẽ góp phần vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.     

Văn Nhiên

Chuyên mục khác