Đăk Hà: Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

08/12/2019 13:06

Trong những năm qua, huyện Đăk Hà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) nhằm khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế gắn kết với nông dân.

Toàn huyện Đăk Hà hiện có hơn 9.100ha cà phê, hơn 7.000ha cao su và 2.500ha mì. Đặc biệt, huyện đã hình thành và phát triển được các cánh đồng chuyên canh tập trung quy mô lớn. Đây là điều kiện rất thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 3 công trình thủy điện vừa và nhỏ; có hệ thống sông suối, kênh mương, hồ đập đa dạng, phong phú... là điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển ngành nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch sông nước và phát triển năng lượng sạch...

Các tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà đã vận động nông dân liên kết, tham gia các tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, cà phê sạch theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, còn liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân tham gia các tổ hợp tác sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn châu Âu. Qua đó, các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất cà phê bột nguyên chất và cà phê hòa tan. Có thể kể đến sản phẩm cà phê bột Đăk Hà thương hiệu “Vị đắng Bắc Tây Nguyên” của Công ty xuất nhập khẩu cà phê Đăk Hà; sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV Nguyên Huy Hùng...

Năm 2014, huyện Đăk Hà đã thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ giống mới cho nông dân sản xuất. Hiện nay, nhà máy đi vào hoạt động ổn định, giải quyết được đầu ra cho cây mì, tạo việc làm cho lao động địa phương, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Cánh đồng lúa thơm xã Đăk La. Ảnh: DN

 

Số lượng hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển cả về số lượng và đa dạng trong ngành nghề hoạt động. Tiêu biểu như Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp và Thương mại Sáu Nhung, Hải Tình, Tân Sang Hoàng... đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị chế biến cà phê bột đi vào hoạt động sản xuất; mở rộng cơ sở kinh doanh, liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra cho sản phẩm; tổ chức giới thiệu, cung ứng các sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Hay Hợp tác xã Cựu quân nhân áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nấm, mỗi ngày cung cấp 40-50kg nấm sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Số lượng cơ sở kinh doanh ngành thủy sản tăng, từng bước đáp ứng nhu cầu tư vấn kỹ thuật, bước đầu tổ chức thử nghiệm ươm các giống cá chất lượng như rô phi đơn tính, diêu hồng thành công, phục vụ nhu cầu con giống và tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Năm 2013, từ mô hình thí điểm với 6 lồng cá, đến nay, toàn huyện Đăk Hà đã phát triển được gần 250 lồng. Nhờ quan tâm phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng nên chất lượng cá thương phẩm được nâng lên. Nổi bật trong liên kết sản xuất, Trung tâm cá giống Tá Tiến đã tạo điều kiện đầu tư con giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm cá thương phẩm cho nông dân, trung bình hàng năm bao tiêu trên 2.000 tấn cá thịt. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã liên kết với Công ty xuất khẩu thủy sản EU xuất ra thị trường nước ngoài, bước đầu giải quyết đầu ra cho cá nước ngọt.

Huyện Đăk Hà đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các cánh đồng lớn. Đăng ký quy hoạch 21 cánh đồng lớn giai đoạn 2015-2020, gồm 13 cánh đồng cà phê, 6 cánh đồng lúa, 1 cánh đồng cao su và 1 cánh đồng rau hoa gắn sản xuất với thị trường.

Đến nay, đã triển khai cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm tại xã Đăk La với quy mô 32ha, thực hiện theo hướng liên kết “4 nhà” và thực hiện đảm bảo “2 cùng” (cùng thời vụ và áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh); vận động hình thành tổ hợp tác và đã nâng lên hợp tác xã sản xuất lúa thơm tại xã Đăk La, giúp bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Với những kết quả đạt được, huyện Đăk Hà là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về việc tăng cường liên kết “4 nhà” để chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, bao tiêu và tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, ổn định và bền vững.

Ngoài “4 nhà”, huyện Đăk Hà đặt mục tiêu tiếp tục thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của ngân hàng để đáp ứng về vốn cho đầu tư sản xuất; kết nối với các siêu thị, đại lý phân phối để sớm hình thành và phát triển mối liên kết “6 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà bank - nhà phân phối).        

Dương Nương

Chuyên mục khác