08/07/2019 13:01
Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn với các sản phẩm hàng hóa có lợi thế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2025, đến nay, huyện Đăk Hà xây dựng được 27 cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn. Trong đó, có 18 cánh đồng cà phê với tổng diện tích 1.130 ha của 3 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 1 công ty; 7 cánh đồng lúa tại 2 xã Đăk Ngọk và Đăk La với tổng diện tích là 149ha; 2 cánh đồng rau màu tại xã Đăk Ngọk và thị trấn Đăk Hà với tổng diện tích là 19,5ha. Các cánh đồng lớn trên địa bàn huyện được xây dựng dựa trên lợi thế từng địa phương và theo đúng yêu cầu là cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm... Đây có thể nói là con số ấn tượng mà Đăk Hà đạt được trong khoảng thời gian thực hiện chưa dài.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Việc xây dựng cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa đã tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân. Từ đó, tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa, thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Nhưng điều khiến nhiều bà con cũng như lãnh đạo các địa phương hài lòng nhất đó chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân có đất đai chung trong cánh đồng; mọi người ngày càng thân thiết nhau, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để đưa sản xuất nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no.
Để làm được những điều nêu trên, Huyện ủy và UBND huyện Đăk Hà tập trung chỉ đạo các đơn vị, các xã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, thay đổi nhận thức, thấy được lợi ích của kế hoạch tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, gắn chặt với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện đã vận động, hỗ trợ xây dựng một số mô hình cánh đồng lớn làm mẫu để người dân tin tưởng và tự nguyện bắt tay thực hiện.
Chẳng hạn như ở xã Đăk La, ban đầu khi nói đến cánh đồng lớn, người dân còn khá mơ hồ, tuy nhiên, khi UBND xã Đăk La và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà vận động được một số hộ dân thôn 1A và thôn 2 tham gia vào tổ hợp tác sản xuất lúa theo quy mô lớn thành công, người dân trong xã đã hiểu, từ đó mạnh dạn học tập và làm theo. Đến nay, xã Đăk La đã xây dựng được 5 cánh đồng lúa lớn với tổng diện tích 94ha tại 5 thôn.
Việc xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất cà phê có thể coi là điểm sáng của Đăk Hà. Ở đây, các hộ dân liên kết xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau đưa giống mới, áp dụng quy trình hiện đại vào quá trình chăm sóc, thu hoạch… Qua đó, tạo ra được sản phẩm cà phê có chất lượng và khối lượng đảm bảo theo yêu cầu, gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chẳng hạn như Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ công bằng Pô Kô (Pô Kô Farms) có 7 cánh đồng lớn quy mô 232ha, Hợp tác xã Sáu Nhung có 1 cánh đồng lớn quy mô 300ha, Hợp tác xã Hải Tình có 6 cánh đồng lớn với diện tích hơn 210ha, hầu hết áp dụng tưới nước tiết kiệm công nghệ cao và sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng cao. Từ đó, các hợp tác xã này tạo ra các sản phẩm cà phê có chất lượng cao, khối lượng lớn, khẳng định được chỗ đứng và đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp mang lại lợi nhuận cao cho người người trồng.
Còn với các tổ hợp tác trồng rau màu ở thị trấn Đăk Hà và xã Đăk Ngọk, việc xây dựng các cánh đồng rau màu rộng lớn trên những chân ruộng thường xuyên thiếu nước vào vụ đông - xuân đã giúp nông dân có nguồn thu ổn định và vượt trội hơn hẳn so với việc trồng lúa trước đây. Cách làm khoa học, bài bản và chuyên nghiệp của người dân cũng đã được Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tỉnh Gia Lai (DOVECO) nhìn nhận và chủ động bắt tay ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với một số hộ dân.
|
Có thể nói, việc xây dựng và phát triển cánh đồng lớn ở Đăk Hà là giải pháp giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, từng bước tạo dựng nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, góp phần khẳng định đây là hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thiên Hương