Đăk Hà: Đòn bẩy kinh tế từ những sản phẩm đặc trưng

03/01/2019 13:02

Cùng với cà phê, các sản phẩm đặc trưng của 11 xã, thị trấn đã trở thành đòn bẩy, góp phần đưa những gam màu sáng vào bức tranh kinh tế huyện Đăk Hà.

Dẫn chúng tôi ra thăm hơn 1.000 gốc cam sành trĩu quả, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn 7, xã Ngọc Wang không giấu được vui mừng: Bình quân 1 cây cho 30kg cam; với giá bán ổn định, vườn cam đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Trước đây, nguồn thu chính của gia đình anh Dũng dựa vào cây cà phê. Năm 2015, nhận thấy đất phù hợp với cây cam, sau khi đi các vùng chuyên canh cam sành để chọn giống, tham khảo, học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, gia đình anh xuống giống thêm 1.000 cây cam sành theo hướng chuyên canh.

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, cam sành sai quả, có vị ngọt đặc trưng, mọng nước. Mặt khác, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, không dùng thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài huyện đón nhận. “Từ loài cây trồng phụ, trồng xen, bây giờ vườn cam là thu nhập chính của gia đình tôi” – anh Dũng phấn khởi.

Cũng như cam, từ chỗ trồng xen một vài cây sầu riêng trong vườn cà phê để ăn, nhận thấy chất lượng quả tốt, giá cả ổn định, bà con xã Ngọc Wang bắt đầu nhân rộng, nhất là sầu riêng hạt lép.

Cam sành đem lại thu nhập cao cho bà con xã Ngọc Wang

 

Ông Lê Quang Minh ở thôn 7, xã Ngọc Wang là một trong những người tiên phong trồng sầu riêng xen cà phê. “Thấy gia đình tôi làm hiệu quả, nhiều hộ đến học hỏi kinh nghiệm. Đến bây giờ, bà con trong xã trồng loại cây này nhiều lắm, nhất là sầu riêng hạt lép”- ông Minh cho hay.

Từ những cây trồng phụ, trồng xen canh nhưng hiện nay, cây ăn quả, đặc biệt là cam và sầu riêng lại trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân ở Ngọc Wang. Nhận thấy 2 loại cây đem lại giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, UBND xã Ngọc Wang đã bàn bạc, cùng bà con thống nhất chọn việc phát triển cây ăn quả (trong đó chủ lực là cam và sầu riêng) trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

“Chúng tôi định hướng vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác, đồng thời khảo sát, quy hoạch để mở rộng diện tích cây ăn quả trên địa bàn, đặc biệt là cam và sầu riêng. Chúng tôi cũng cố gắng phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả từ 40-50ha theo hướng chuyên canh” – ông Đặng Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết.

Nếu ở Ngọc Wang nổi tiếng với cam sành, sầu riêng thì măng le Đăk Psi lại có tiếng trên thị trường bởi đặc trưng về màu sắc, đặc ruột, vị ngọt, không đắng, không chát. Nổi tiếng về chất lượng, lại thêm lợi thế về vùng nguyên liệu và truyền thống lâu đời của nghề sấy măng khô tại xã, tháng 8/2017, măng le được UBND xã Đăk Psi chọn làm sản phẩm đặc trưng của xã.

Bắt đầu từ việc quy hoạch, khoanh vùng nguyên liệu, UBND xã còn tập trung hướng dẫn người dân vừa khai thác, vừa bảo vệ, tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Cùng với đó, UBND xã vận động các hộ sản xuất thành lập tổ hợp tác, cùng tìm đầu ra cho sản phẩm; chọn những cơ sở chế biến măng khô có uy tín, chất lượng để đầu tư, hỗ trợ máy đóng gói sản phẩm, thủ tục in nhãn hiệu trên bao bì, từng bước xây dựng thương hiệu “Măng le Đăk Psi”.

Khi được chọn làm sản phẩm đặc trưng, măng le được người dân tỉ mỉ hơn trong chế biến, nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng và có giá cao hơn so với nhiều loại măng khô trên thị trường. Đến nay, trên địa bàn xã có 20 hộ gia đình đang sản xuất măng le khô, đáp ứng mức khai thác nguyên liệu măng tươi khoảng 400 tấn/năm.

“Với mức giá trung bình từ 150-200 ngàn đồng/kg măng khô, sau khi trừ chi phí, chúng tôi thu được hàng chục triệu đồng/mùa. Nhờ đó, đời sống kinh tế ổn định hơn nhiều” - chị Lương Thị Thu Thủy - Chủ cơ sở sản xuất măng khô ở xã Đăk Psi chia sẻ.

Nấm Đăk Hring có thị trường tiêu thụ mạnh

 

Nếu Đăk Psi và Ngọc Wang chọn những sản phẩm thiên về ẩm thực thì tại xã Đăk Ui, với lợi thế có nghề đan lát truyền thống từ lâu đời, UBND xã đã chọn và thực hiện lộ trình khôi phục nghề đan lát thủ công mỹ nghệ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Theo đó, xã Đăk Ui đã thành lập tổ hợp tác đan lát với 23 thành viên. Các thành viên trong tổ hợp tác sẽ nhận đặt hàng từ các cơ sở dịch vụ, người có nhu cầu. Cùng với đó, để mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ hợp tác, xã Đăk Ui định hướng tổ đan lát làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm phục vụ cho khách tham quan du lịch: mô hình nhà rông thu nhỏ, cung, nỏ, các loại gùi và vật dụng bằng mây tre.

Ông A Bốn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ui cho biết: Chúng tôi tập trung xây dựng thêm nhiều tổ hợp tác đan lát, tập hợp những người có tay nghề, cùng sản xuất đa dạng các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Đặc biệt, trong 6/2018, chúng tôi cũng quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà để nhiều người biết đến, qua đó giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài măng le, trái cây, hiện nay, thực hiện xây dựng mỗi xã một sản phẩm, những sản phẩm đặc trưng của nhiều xã, thị trấn: sản phẩm cà phê sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp công bằng Pô Kô tại thị trấn Đăk Hà; sản phẩm cà phê bột Sáu Nhung, gà thả vườn tại xã Hà Mòn; gạo đặc sản tại xã Đăk La; mật ong xã Đăk Mar; nấm xã Đăk Hring và một số sản phẩm cà phê của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã có thị trường tiêu thụ mạnh. Những sản phẩm đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thực tế, một số sản phẩm sức tiêu thụ còn khó khăn, nhất là những sản phẩm truyền thống như: rượu cần nếp than Ngọc Réo, rượu nếp cẩm Đăk Ngọk, các sản phẩm đan lát tại Đăk Ui.

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà khẳng định: UBND huyện luôn coi việc phát triển các sản phẩm đặc trưng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương vừa góp phần quảng bá, nâng tầm sản phẩm, văn hóa, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện giảm nghèo.

Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đa dạng hóa hình thức quảng bá nhãn hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho từng sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; làm việc với các doanh nghiệp đưa sản phẩm đặc trưng của huyện vào các gian hàng, siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; xây dựng, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, qua đó nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Bình An

Chuyên mục khác