01/04/2017 08:29
Thực hiện Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh, từ tháng 8/2016 đến nay, huyện Đăk Hà đẩy mạnh triển khai thực hiện thụ tinh nhân tạo từ tinh bò giống Brahman cho bò cái nền địa phương nhằm từng bước nâng cao chất lượng cho đàn bò và giá trị sản xuất cho người chăn nuôi.
Đến thăm các hộ chăn nuôi có bò cái nền được phối giống, ông Nguyễn Việt Hùng ở xã Đăk La không giấu niềm vui: Bò cái nền của gia đình được dẫn tinh viên phối giống bò Brahman thành công cách đây hơn 3 tháng. Hiện nay, gia đình đang tập trung chăm sóc bò được phối giống và hy vọng bò mẹ này sẽ sinh ra bê con to khỏe, có giá trị hơn nhiều so với bò giống địa phương.
|
Quan sát các con bò cái nền được các dẫn tinh viên phối giống, chúng tôi nhận thấy bò đều đang mang thai, thân thể mập mạp. Nhìn 2 con bò cái nền của gia đình được phối giống thành công, chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Đăk La) phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi chuyên nuôi bò sinh sản. Tuy nhiên, giống bò địa phương của mình nhỏ con, giá trị không cao. Để nâng cao chất lượng cho đàn bò, gia đình đăng ký phối giống 2 con bò cái nền và được các dẫn tinh viên của huyện đến phối giống. 2 con bò cái nền của gia đình hiện đang mang thai.
Không chỉ người dân mà các dẫn tinh viên phối giống cũng cảm thấy rất phấn khởi. Ông Đỗ Học - cán bộ thú y xã và là dẫn tinh viên thực hiện Phương án này bộc bạch: Năm 2016, tôi được huyện, tỉnh cử đi học khóa dẫn tinh viên tại tỉnh Bình Dương. Sau khóa học, kể từ tháng 8/2016 đến nay, tôi đã thụ tinh nhân tạo cho các hộ có bò cái nền ở các xã Đăk La, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Ngọc Wang và thị trấn Đăk Hà. Bò được thụ tinh nhân tạo từ tinh bò giống Brahman đều mang thai. Người dân có bò cái nền được phối giống theo Phương án này phấn khởi bởi chủ trương có ý nghĩa của tỉnh.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết một số hộ có bò cái nền được tập huấn về thụ tinh nhân tạo, nhưng việc phát hiện về bò động dục chưa kịp thời, chưa chính xác nên dẫn tinh viên phải đi lại nhiều lần mới có thể phối thành công.
Theo ông Đặng Hữu Lý - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, tính từ tháng 8/2016 đến nay, các dẫn tinh viên trên địa bàn huyện đã phối giống thành công cho trên 50 con bò cái nền ở địa phương. Ông đề nghị trong thời gian đến, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có kế hoạch phối hợp với các đơn vị có chuyên môn mở thêm lớp đào tạo dẫn tinh viên và lớp tập huấn thụ tinh nhân tạo cho nông dân có bò cái nền ở địa phương.
Trao đổi quanh việc cải tạo đàn bò, ông Đoàn Bá Quyết - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Tổ trưởng Tổ thực hiện Phương án cho biết, việc thực hiện Phương án này, Nhà nước hỗ trợ phôi tinh và công cho các dẫn tinh viên, người dân không phải lo gì cả. So với các địa phương khác, các dẫn tinh viên ở huyện Đăk Hà thực hiện Phương án khá tốt trên nhiều bình diện như: số lượng bò được thụ tinh và tỷ lệ bò mang thai đều cao.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Phương án, ông Quyết đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm kê lại toàn bộ đàn bò ở huyện; tổng hợp số lượng bò đủ điều kiện để thụ tinh nhân tạo; cử cán bộ thú y tâm huyết đi học lớp đào tạo dẫn tinh viên. Bên cạnh đó, huyện cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các hộ nuôi bò nâng cao nhận thức việc thực hiện Phương án; đôn đốc các dẫn tinh viên đã được đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ; chọn người đi đào tạo dẫn tinh viên phải là người yêu nghề, nhiệt tình, năng nổ, tránh tình trạng đào tạo xong về không hành nghề.
Văn Nhiên