11/05/2018 13:05
Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Trong cơ cấu các loại cây ngắn ngày của huyện, bên cạnh cây lúa, những năm gần đây, huyện đã xác định phát triển cây màu để nâng cao thu nhập và ổn định đời sống cho người nông dân. Đặc biệt, huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi đất kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng rau màu, xen canh một vụ lúa một vụ màu. Năm 2018, tổng diện tích rau màu trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 200ha.
Tiêu biểu như ở xã Đăk Ngọk nơi hiện nay được coi là vựa rau của huyện Đăk Hà. Trước đây, xã có khoảng 20ha chân ruộng cao của thôn Đăk Bình và Đăk Lộc thường bị xuyên thiếu nước tưới, song người dân vẫn chỉ trồng lúa nên năng suất rất bấp bênh; tuy nhiên, mấy năm gần đây, hầu hết diện tích đã được bà con chuyển sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.
Tuỳ theo từng mùa vụ mà người dân trồng các loại rau khác nhau. Chẳng hạn như mùa cuối năm, người dân tập trung trồng các loại rau ưa lạnh như xà lách, bắp xú, súp lơ, su hào...; mùa này, người dân chủ yếu trồng đậu cove, cà, bí xanh..., giúp mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
|
Cùng với tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức giúp bà con hiểu và bắt tay thực hiện, huyện Đăk Hà cũng vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vùng trồng rau màu. Các vùng trọng điểm trồng màu của huyện là thị trấn Đăk Hà, xã Đăk Ngọk, Đăk Mar, Đăk La.
Với lợi thế thuận tiện về giao thông, thị trường tiêu thụ rộng, ngoài thị trường của huyện thì thành phố Kon Tum là thị trường có sức tiêu thụ lớn nên nguồn rau huyện sản xuất ra dễ tiêu thụ. Hiện nay, phần lớn nông dân trong sản xuất rau màu cũng đã chủ động được đầu ra, kết nối được với thương lái và đầu mối tiêu thụ. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị sản xuất, huyện tập trung phát triển các giống rau có chất lượng như: cải bắp, rau thơm, súp lơ, su hào, bí…
Hiện nay, huyện Đăk Hà đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó chất lượng sản phẩm là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Do đó, cùng với việc mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp huyện còn phối hợp với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân.
Đây chính là giải pháp để phát triển sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, bảo vệ môi trường. Hiện toàn huyện có khoảng 100ha rau an toàn, chiếm gần ½ tổng diện tích rau màu trên địa bàn.
Gắn bó với nghề trồng rau nhiều năm nay, chị Phạm Thị Hải – thôn Đăk Bình (xã Đăk Ngọk) chia sẻ: Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, nên ngay sau khi được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn và hỗ trợ xây dựng, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích sang sản xuất rau an toàn; hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học để chuyển sang các loại phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học; sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo vệ sinh và áp dụng thời gian cách ly với thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định... Nhờ đó, sản phẩm làm ra rất dễ tiêu thụ, bản thân mình cũng không phải lo lắng về sức khoẻ của chính mình cũng như sức khoẻ của người tiêu dùng.
Ông Đoàn Quốc Bảo - thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Hà chia sẻ: Theo xu thế của thị trường, khi người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn và nhận thấy lợi ích của mô hình này nên tôi cũng như nhiều hộ dân đã tự nguyện tham gia mô hình trồng rau an toàn. Mặc dù, trước mắt sản phẩm rau an toàn phải cạnh tranh khá khốc liệt với rau không an toàn, nhưng xét về lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất và lợi ích lâu dài thì đây là điều cần thiết.
Sản xuất rau màu, nhất là rau an toàn là hướng đi triển vọng đối với sản xuất nông nghiệp của huyện Đăk Hà. Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đa dạng hoá các loại cây trồng của huyện, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Thiên Hương