Đăk Hà: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước

24/04/2019 06:06

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các chân đất lúa thiếu nước sang các loại cây trồng cạn, ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới thì đây còn là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân. Xuất phát từ “lợi ích kép” kể trên, huyện Đăk Hà đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện chủ trương đưa các loại cây trồng ngắn ngày vào canh tác trên những chân ruộng thường xuyên bị khô hạn, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh rau màu...

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: Thực tế, hàng năm ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà (như xã Đăk La, Đăk Ngọk, thị trấn Đăk Hà...) đều có những diện tích ruộng bị thiếu nước vào mùa khô. Một số chân ruộng người dân chỉ làm một vụ lúa còn lại là bỏ không. Một số diện tích ruộng còn lại bà con vẫn gieo cấy, nhưng đầu vụ thì đủ nước, đến giai đoạn làm đòng, trổ bông thường bị thiếu nước dẫn đến tình trạng mất mùa, nông dân vừa mất công chăm bón, vừa tốn chi phí đầu tư. Trong khi đó, nếu thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp người dân chủ động và an toàn hơn trong sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, những năm qua, huyện Đăk Hà có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa hay xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế nhằm tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả.

Trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc chuyển dịch cơ cấu cây trồng phải phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, các loại cây được huyện Đăk Hà lựa chọn để chuyển đổi đều được tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng của người dân.

Huyện Đăk Hà chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ xây dựng một số mô hình trình diễn trồng cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế và thích ứng với vùng hạn hán như: cây bắp, đậu cô ve, đậu tương... tại 2 xã Đăk Ngọk và Đăk La.

Nhiều chân ruộng lúa thường thiếu nước vào mùa khô đã được nông dân chuyển sang trồng rau màu. Ảnh: TH

 

Từ thành công của các mô hình này, người dân bắt đầu tin tưởng, học hỏi, mở rộng quy mô diện tích. Đồng thời, với sự định hướng của ngành chức năng, người dân ở một số nơi còn vận dụng những kinh nghiệm sản xuất của mình chủ động chuyển đổi thêm một số loại cây trồng khác như rau hoa, khoai lang, chanh dây... Tổng diện tích được thực hiện chuyển đổi khoảng 50ha trong tổng số 90ha diện tích đất ruộng thường xảy ra hạn hán trên địa bàn toàn huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên địa bàn huyện Đăk Hà đã quá rõ. Qua đó, giúp tiết kiệm được lượng nước tưới, khai thác hiệu quả quỹ đất; góp phần thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, giúp họ yên tâm và mạnh dạn phá thế độc canh cây lúa; tạo thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi ở một số nơi trên địa bàn huyện còn chậm và manh mún; sự chuyển đổi còn nặng về số lượng, chất lượng nhiều sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, khả năng cạnh tranh thấp, giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Do đó, huyện Đăk Hà đang tích cực tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường, hình thành liên minh giữa doanh nghiệp và nông dân, tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu để thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm, phát triển bền vững.

Hiện tại, huyện Đăk Hà tiến hành kêu gọi, thu hút được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tỉnh Gia Lai (DOVECO) đến tìm hiểu, khảo sát tiến tới việc hợp tác với nông dân. Bước đầu đã có 19 hộ trồng rau của thị trấn Đăk Hà đăng ký liên kết với diện tích tham gia 6,3ha định hướng trồng các loại rau màu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu như: bắp bao tử, cải bó xôi, đậu tương rau, dưa leo... Công ty sẽ đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện bao tiêu sản phẩm làm ra cho nông dân.

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên chân đất lúa là hướng đi hợp lý của huyện Đăk Hà nhằm góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, đồng thời khắc phục được những khó khăn, bất lợi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Thiên Hương

Chuyên mục khác