Đăk Hà: Chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt

29/09/2023 13:11

Để chủ động nguồn nước, đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh trước ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, huyện Đăk Hà đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong giai đoạn 2023- 2025.
Huyện Đăk Hà chủ động dự trữ nguồn nước để cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Ảnh: TH

 

Trước hết, huyện Đăk Hà tiến hành khảo sát và đánh giá cụ thể các vùng đảm bảo nước tưới và những vùng có nguy cơ hạn hán vào mùa khô. Trong đó, xác định được một số khu vực có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước như: Khu tưới hồ Cà Sâm; khu vực tưới ở cuối kênh chính Bắc hồ Đăk Uy (xã Đăk Mar); một số vùng sản xuất thuộc địa bàn các xã Đăk La, Ngọc Réo, Đăk Hring, Ngọk Wang, Hà Mòn, Đăk Long... Trên cơ sở đó, các phòng chuyên môn của huyện và các địa phương trên địa bàn triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước, sử dụng nước hợp lý; tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; trong đó, ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao khi xảy ra hạn hán.

Hiện tại, trên địa bàn huyện Đăk Hà có 66 công trình đập, hồ chứa nước, trong đó, có 34 công trình do địa phương quản lý và 32 công trình do Ban quản lý- khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý. Các công trình hồ, đập phục vụ tưới cho khoảng 5.700ha cây trồng.

Để khai thác và vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, huyện Đăk Hà chủ động phối hợp với Ban quản lý- khai thác các công trình thủy lợi tỉnh xây dựng kế hoạch điều tiết, dự trữ nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước tưới và tổ chức phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước cho tất cả các khu vực, nhất là khu vực cuối nguồn nước. Đồng thời, tổ chức duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; tăng cường việc nạo vét kênh mương, cửa lấy nước; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà đề ra các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho các vùng canh tác ngoài phạm vi cấp nước tưới của công trình thủy lợi, trong đó chú trọng thực hiện tích trữ nước ở các ao, hồ có sẵn, khi hạn xảy ra tổ chức bơm tưới bổ sung cho khu vực bị hạn. 

Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Đăk Hà triển khai tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học như tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện Đăk Hà xác định là một trong những giải pháp căn cơ để đối phó với hạn hán và thích ứng với biến đối khí hậu nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Thời gian qua, huyện Đăk Hà đã vận động người dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa thường bị thiếu nước sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: TH

 

Theo đó, địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng các loại hoa màu như bắp, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại hoặc xen canh một vụ lúa một vụ màu. Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi được trên 60ha đất ruộng thường xảy ra hạn hán sang trồng các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Người dân chủ động chuyển những diện tích trồng cà phê tại một số vùng khó khăn về nguồn nước tưới đã hết chu kỳ khai thác sang trồng một số loại cây dài ngày khác như mắc ca, cây ăn quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Giải pháp này đang mang lại những kết quả tích cực. Hiện tại, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt gần 2.051ha, cao hơn gần 100ha so với cùng kỳ, diện tích cây mắc ca là 455,27ha, tăng 130ha so với năm 2022.

 Cùng với các giải pháp phòng chống hạn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, huyện Đăk Hà cũng đề ra nhiều biện pháp đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Hiện trên địa bàn huyện có 15 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Vì vậy, địa phương chủ động phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng công trình cấp nước để kịp thời phát hiện, sửa chữa, nâng cấp các công trình, vị trí bị hư hỏng; xây dựng các phương án cấp nước khoa học, phục vụ cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đăk Hà chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực, công trình; có kế hoạch cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước để dự trữ nước sinh hoạt.

Mặc dù hiện nay tỉnh ta nói chung và huyện Đăk Hà vẫn đang trong mùa mưa, nhưng việc triển khai sớm các biện pháp phòng tránh hạn cho mùa khô 2023 - 2024 sắp tới và cả năm sau giúp địa phương chủ động nguồn nước, không bị lúng túng khi xảy ra hạn hán. Từ đó, đảm bảo triển khai tốt nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống người dân.                                              

Thiên Hương

Chuyên mục khác