Đăk Glei: Triển vọng sản phẩm OCOP

12/06/2021 13:01

Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP trên địa huyện Đăk Glei đã có những thành công bước đầu, các sản phẩm từng bước chuyển biến về chất lượng, mẫu mã mang thương hiệu và khai thác tốt tiềm năng của địa phương.

Từ sự nỗ lực của chính các chủ thể cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, huyện Đăk Glei đã có hơn 20 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong số đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ giao thương, kết nối tiêu thụ của các nhà phân phối, đã giúp không ít sản phẩm OCOP được đưa vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị, chuỗi nhà hàng ở các địa phương. Trong năm 2020, Đăk Glei có sản phẩm nước sâm dây của Công ty CP nước giải khát Ngọc Linh được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Kon Tum và cả khu vực Tây Nguyên.

Là địa phương có lợi thế phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu bền vững, có nhiều sản phẩm đặc sản, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa dân tộc lâu đời giàu bản sắc, huyện Đăk Glei đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP tương xứng với tiềm năng của huyện.

Bà Đinh Thị Y Ngọc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết: Ngay khi triển khai chương trình OCOP, huyện xác định  đây là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu và mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế cho người dân. Vì vậy, để thực hiện Chương trình hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện bố trí, sử dụng nguồn kinh phí được Trung ương hỗ trợ một cách hợp lí; chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình và hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh, hoàn thiện các khâu để phát triển sản phẩm OCOP hoàn chỉnh, như hỗ trợ trang thiết bị, máy móc; thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ; phát triển vùng nguyên liệu; xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm…

Hộ kinh doanh Trịnh Thị Phượng đang phát triển nhiều sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Ảnh: Đ.T

 

Đến nay, huyện Đăk Glei đã đào tạo, tập huấn quản lý, phụ trách Chương trình OCOP cho 60 cán bộ huyện và xã, nâng cao năng lực tổ chức kinh doanh cho 80 lượt người sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thành lập mới 2 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã; hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng ở các tỉnh Đăk Lăk, Nam Định, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện lần 1 năm 2021 (dự kiến tổ chức trong tháng 6), huyện có 18 sản phẩm của 13 chủ thể là các hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, công ty TNHH MTV ở xã Ngọc Linh, xã Đăk Pek và thị trấn Đăk Glei tham gia dự thi. Các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, được phát triển dựa trên các sản phẩm đặc sản, cây dược liệu của huyện như trà lá-củ sâm dây, sâm dây tươi-sấy dẻo, thịt heo hun khói, bò một nắng, muối ớt sả tiêu rừng, măng khô, gà leo cây, trứng gà dược liệu…

Là chủ thể đã có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh năm 2020, đồng thời tiếp tục tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện lần 1 năm 2021 với 3 sản phẩm, hộ kinh doanh Trịnh Thị Phượng (xã Đăk Pek) chia sẻ: Từ giai đoạn ý tưởng đến phát triển thành sản phẩm đáp ứng các điều kiện để tham gia Chương trình OCOP cần thời gian dài, do vậy ngay từ năm 2020, tôi đã tiếp tục triển khai phát triển các sản phẩm mới, đăng ký tham gia chương trình OCOP để được Nhà nước hỗ trợ, đồng thời, đầu tư hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu để mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết với các hộ kinh doanh khác thành lập hợp tác xã, khai trương cửa hàng tại xã Đăk Pek bán hơn 30 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản của huyện Đăk Glei và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; phát triển thị trường tiêu thụ trên các website thương mại điện tử.

Được biết, không chỉ riêng hộ kinh doanh Trịnh Thị Phượng mà hiện tại trên địa bàn huyện Đăk Glei có nhiều chủ thể cũng đang đẩy mạnh việc phát triển, sáng tạo, sản xuất thêm các dòng sản phẩm mới. Đây thật sự là tín hiệu vui, giúp Chương trình OCOP của huyện Đăk Glei ngày càng lan tỏa và có được nhiều sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh trong thời gian tới.  

Đức Thành

Chuyên mục khác