26/09/2019 06:11
Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, UBND huyện Đăk Glei xác định 2 vùng chủ yếu phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, các xã phía Bắc (Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Blô) quy hoạch phát triển các loại cây cà phê, cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy; các xã phía Nam (Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, Đăk Nhoong, thị trấn Đăk Glei) quy hoạch phát triển các loại cây lâu năm như cao su, bời lời. Mặt khác, tiếp tục phát triển một số loại cây trồng truyền thống như mì, bắp, lúa nước, bời lời… để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân tại địa phương.
Thời gian qua, huyện Đăk Glei tập trung chỉ đạo các cơ quan, xã, thị trấn rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế trên địa bàn như rau, hoa, quả xứ lạnh, trang trại chăn nuôi tập trung, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng; trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp theo quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây dược liệu; đẩy mạnh công tác khuyến cáo, định hướng người dân trồng, phát triển đối với những loại cây, con đảm bảo chất lượng nguồn giống, tránh sử dụng những cây giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hướng dẫn nhân dân dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp đối với những cây có giá trị kinh tế để xây dựng cánh đồng lớn, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Mặt khác, huyện Đăk Glei chủ động lồng ghép, bố trí các nguồn vốn hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nguồn lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ giống sâm dây cho nhân dân 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (7 triệu đồng/hộ) với tổng số vốn 500 triệu đồng; khuyến khích các địa phương hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập mới 5 hợp tác xã, 39 tổ hợp tác; trong đó có 6 tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh, 8 tổ hợp tác trồng sâm dây, 8 tổ hợp tác chăn nuôi, 16 tổ hợp tác nề, 1 tổ hợp tác trồng cây cà phê theo hình thức liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
|
Hoạt động chế biến sản phẩm sau thu hoạch trên địa bàn cũng được chính quyền huyện Đăk Glei quan tâm chỉ đạo ngành chức năng xúc tiến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai thực hiện, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, các tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư, tìm tòi đổi mới trong sản xuất, chế biến và có những phương pháp tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng. Cụ thể như nhóm thực phẩm (mứt sâm dây, lẩu lá sâm); nhóm đồ uống (rượu sâm dây tươi, rượu sâm dây khô); nhóm thảo dược (sâm dây tươi, sâm dây khô). Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 10 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm dược liệu.
Đặc biệt, huyện Đăk Glei phối hợp với Công ty cổ phần Nước giải khát sâm dây Ngọc Linh và Trà túi lọc thực hiện liên kết với người dân theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho cây sâm dây.
Để góp phần đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, UBND huyện Đăk Glei chủ động liên hệ, tạo điều kiện, kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3 nhà máy: Nhà máy chế biến cà phê Cao Nguyên tại xã Đăk Choong, Nhà máy Nước giải khát sâm dây Ngọc Linh và Trà túi lọc sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Nớ (xã Đăk Pék), Nhà máy Tinh bột sắn Phương Hoa tại thôn Đăk Sút (xã Đăk Kroong).
Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng trong việc quy hoạch sản xuất, khuyến khích, hướng dẫn người dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển các loại dược liệu mà địa phương có thế mạnh; trong đó tập trung đầu tư phát triển 2 loài cây chủ lực là sâm Ngọc Linh và sâm dây tại 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp phù hợp để quy hoạch và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung theo kế hoạch, nhất là đối với 10 loại cây dược liệu được xác định tại Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu.
|
Song hành với lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo UBND huyện Đăk Glei quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm thị trấn Đăk Glei và các xã như: Cầu bê tông cốt thép qua sông Pô Kô với tổng mức đầu tư 49,9 tỷ đồng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đường Lê Hồng Phong với quy mô khoảng 1 ha; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường Lê Hồng Phong với tổng mức đầu tư 4,9 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa khuôn viên hồ Đăk Xanh với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng; sửa chữa cải tạo vỉa hè đường Hùng Vương với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; xây dựng mới nhà thi đấu đa năng huyện với tổng mức đầu tư 10,8 tỷ đồng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi công cộng theo quy hoạch; trồng cây xanh, tạo mỹ quan đô thị tại trung tâm thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn đô thị loại V; tăng cường công tác lập lại trật tự, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; rà soát, thống kê tất cả các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp để thực hiện sắp xếp lại cho phù hợp, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và vệ sinh môi trường theo quy hoạch.
Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei chia sẻ: Bên cạnh việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các lĩnh vực nêu trên, thời gian qua, UBND huyện quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện có 100% phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn triển khai thử nghiệm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT iOffice; 100% xã, thị trấn, UBND huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa; thực hiện họp trực tuyến tại 3 điểm cầu (điểm cầu huyện, điểm cầu xã Đăk Choong và điểm cầu xã Đăk Môn).
Mặt khác, huyện thực hiện nghiêm túc việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, nhất là tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kết luận 1663-KL/TU ngày 24/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh” bằng nhiều hình thức (thường xuyên, đột xuất, chuyên đề); qua đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Huyện đang thực hiện 18 thủ tục hành chính cấp huyện, 13 thủ tục hành chính cấp xã. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị đã cung cấp đạt mức độ 2; đăng ký với UBND tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 17 thủ tục hành chính cấp huyện và 2 thủ tục hành chính cấp xã...
Quang Định