03/05/2018 12:30
Đăk Glei là địa phương có lợi thế về đồng cỏ và chăn nuôi trâu, bò lại là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nên những năm gần đây, huyện xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là một trong những lĩnh vực chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, hiện nay, trước nhu cầu của thị trường về nguồn cung trâu, bò thịt ngày càng cao, giá trị của đàn trâu, bò được nâng lên nên huyện đã khuyến khích nông dân chú trọng đầu tư mở rộng đàn bò cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện cũng có thêm điều kiện để mở rộng đàn gia súc, nhất là đàn bò.
|
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tổng đàn trâu hiện có trên địa bàn huyện khoảng 2.700 con, đàn bò khoảng 7.500 con.
Ông Đinh Cao Cường – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Dựa vào khí hậu, tập quán chăn nuôi của người dân, huyện có định hướng phát triển đàn gia súc hợp lý cho từng địa phương. Theo đó, đối với những xã có khí hậu ấm như Đăk Kroong, Đăk Môn, Đăk Choong, Đăk Nhoong..., huyện chú trọng phát triển đàn bò; ở xã có khí hậu lạnh hơn như Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Đăk Blô..., huyện tập trung phát triển chăn nuôi trâu. Mỗi địa phương lại căn cứ trên lợi thế của mình mà có hướng phát triển cho phù hợp.
Tiêu biểu như xã Đăk Nhoong – một trong những địa phương có số lượng trâu, bò nhiều trên địa bàn huyện với khoảng 1.600 con; trong đó, đàn bò khoảng 850 con, đàn trâu khoảng 750 con. Nếu như trước đây, việc chăn nuôi trâu bò của nông dân hầu như mang tính tự phát, nhỏ lẻ thì hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, xã đã tuyên truyền người dân chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò theo hướng hàng hoá, đưa các giống bò có trọng lượng lớn, giá trị cao vào nuôi.
Hay như ở Đăk Môn, người dân trong xã đã rủ nhau thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò. Việc làm này vừa để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình chăn nuôi, giảm bớt nhân lực khi chăn thả, vừa tăng cơ hội để tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng đàn bò.
Để đảm bảo sự phát triển của đàn trâu, bò, hạn chế các rủi ro trong chăn nuôi; các địa phương trong huyện đã tích cực vận động bà con không thả rông, chủ động chăn thả đàn gia súc trên những đồng cỏ lớn, những nơi có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào; đồng thời, tiến hành quy hoạch vùng, bãi chăn thả.
Ngoài ra, các xã cũng vận động bà con tích cực trồng cỏ, tận dụng rơm rạ, thân lá cây bắp sau khi thu hoạch để bảo quản làm thức ăn dự trữ những khi mưa rét.
Ngành Nông nghiệp tăng cường triển khai tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh; làm chuồng trại sao cho thoáng mát vào mùa hè, kín đáo vào mùa đông để hạn chế trâu bò bị chết rét; mở các lớp tập huấn ngắn hạn hướng dẫn các hộ chăn nuôi từ khâu chọn giống, chăm sóc; tạo điều kiện cho một số hộ chăn nuôi tiêu biểu đi tham quan các mô hình thực tế...
Với giá trị kinh tế cao, bình quân 20 - 25 triệu đồng một con trâu, 13 – 15 triệu đồng một con bò đã giúp mang lại thu nhập cao cho nông dân, mở hướng thoát nghèo cho nhiều gia đình trên địa bàn.
Đặc biệt, với người dân Đăk Glei, chăn nuôi trâu, bò là một cách tích luỹ, để dành tiền rất hiệu quả. Người dân thường tự nhân giống, nuôi thành đàn lớn, khi nào cần số tiền lớn để làm nhà, mua xe hay cho con cái đi học mới bán.
Cũng theo ông Đinh Cao Cường, điểm hạn chế là hiện nay, đàn bò của huyện Đăk Glei chủ yếu vẫn sử dụng giống bò địa phương. Giống bò này có ưu điểm phù hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên, ít phải chăm sóc, có thể nuôi với số lượng nhiều, thích nghi tốt đặc điểm của địa phương, lại phù hợp với tập quán chăn nuôi lâu đời của người dân, tuy nhiên vóc dáng nhỏ và giá trị kinh tế của mỗi con bò cũng không cao lắm.
“Do đó, vài năm lại đây, ngành Nông nghiệp huyện đang từng bước thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị đàn bò, trong đó chú trọng việc lai tạo giống bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Bước đầu, huyện đang thí điểm ở 3 địa phương là xã Đăk Pét, Đăk Kroong và thị trấn Đăk Glei; sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương” - ông Cường cho biết.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu bò, Đăk Glei không chỉ khai thác tốt thế mạnh về điều kiện tự nhiên mà còn giúp tận dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi của địa phương. Đây là hướng mở để giúp người dân thoát nghèo, từng bước làm giàu, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.
Thiên Hương