Đăk Glei: Sức bật từ xây dựng nông thôn mới

10/11/2017 13:00

​Qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Đăk Glei đã có sự thay đổi rõ nét. Đến các xã của Đăk Glei vào những ngày này, sẽ nhận ra không khí thi đua thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo nên sức bật mới...

Còn nhớ, chỉ cách đây hơn 3 năm, vào các thôn, làng ở xã Xốp gian nan lắm. Hồi ấy, chỉ có tuyến đường trục chính được trải nhựa, còn lại đều là đường đất, để vào đến Tân Đum, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã phải đánh vật cả tiếng đồng hồ với con đường đất lầy lội. Ấy vậy mà bây giờ, nối từ tuyến đường trục chính của xã dẫn về các làng Xốp Nghét, Kon Liêm, Xốp Dùi, Tân Đum… đều đã được bê tông hóa sạch đẹp.

Đường làng Xốp Dùi được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới

 

Chủ tịch xã A Ruổi phấn khởi “khoe” với chúng tôi: Đấy là thành quả từ  chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đi trên con đường bê tông về thăm làng kháng chiến Xốp Dùi, không khó để nhận ra rằng, vùng quê nơi đây đã khoác lên “áo mới”. Đưa chúng tôi xuống tham quan công trình nhà rông truyền thống và khu thể thao của làng Xốp Dùi vừa mới được khánh thành và đưa vào sử dụng, Chủ tịch xã A Ruổi kể, ngày khánh thành nhà rông truyền thống, dân làng phấn khởi lắm. Bà con vui vì nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới mà làng mới được như hôm nay.

Chủ tịch A Ruổi cho biết, năm 2017, xã Xốp được phê duyệt 7 công trình đầu tư theo cơ chế đặc thù của tỉnh (Quyết định 991 của UBND tỉnh) gồm: đường giao thông nội thôn Tân Đum, đường giao thông nội thôn Xốp Dùi, đường nội đồng thôn Xốp Nghét, sân thể thao các thôn Tân Đum và Xốp Dùi, công trình thủy lợi Đăk Cam (thôn Kon Liêm), Trường mầm non Tân Đum, Trường mầm non Long Ri với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng.)

Đến nay, xã Xốp đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (2015), tiểu học (2010), trung học cơ sở (2009); mạng lưới y tế được kiện toàn từ xã đến thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98%; 7/7 thôn có điểm vui chơi thể thao và nhà rông văn hóa.

Theo “bảng điểm”, xã Xốp đạt được 6/19 tiêu chí nông thôn mới gồm: điện, thông tin và truyền thông, y tế, quốc phòng an ninh, lao động và việc làm, giao thông- Chủ tịch A Ruổi thông tin.

Và dù không nằm trong danh sách phải “về đích” nông thôn mới của huyện trong giai đoạn 2016-2020, nhưng theo Chủ tịch A Ruổi, xã Xốp sẽ nỗ lực để  triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả nhất.

Giống như xã Xốp, thời gian qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã phát triển mạnh ở Đăk Môn, Đăk Pék, Đăk Kroong, Đăk Choong, Mường Hoong... Hệ thống giao thông từ huyện đến xã, từ xã về các thôn ngày càng thuận tiện. Hiện, trên địa bàn huyện có 57/102 thôn có đường giao thông nội thôn được cứng hóa, đạt chuẩn, đạt 55,8%, tăng 7,8% so với năm 2016.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tại các trường học đều được đảm bảo; tỷ lệ huy động mẫu giáo ra lớp đạt 87%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi được đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở được tiếp tục học Phổ thông trung học, bổ túc, học nghề đạt 80%; 9/34 trường ở khu vực nông thôn đạt chuẩn quốc gia.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các xã đã đầu tư xây mới 3 nhà văn hóa xã, 36 nhà rông thôn, 18 công trình thể thao thôn. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 73,5%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có 3 công trình sinh hoạt (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt tiêu chuẩn vệ sinh đạt 36,4%. Toàn huyện có 9/11 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia...

Từ việc thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, Đề án cà phê xứ lạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135…, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt mức 20,36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40,2%.

Huyện Đăk Glei hiện có 11/11 xã hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; 3/11 xã đạt tiêu chí giao thông; 6/11 xã đạt tiêu chí thủy lợi; 10/11 xã đạt tiêu chí về điện; 11/11 xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn; 9/11 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia…

Theo kết quả kiểm tra mới đây, xã Đăk Môn đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Đăk Kroong và Đăk Pék đạt 10/19 tiêu chí; Đăk Man đạt 8/19 tiêu chí; Đăk Choong và Đăk Blô đạt 6/19 tiêu chí; xã Xốp đạt 6/19 tiêu chí; Đăk Long đạt 5/19 tiêu chí; Đăk Nhoong, Mường Hoong, Ngọc Linh đạt 4/19 tiêu chí.

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Đăk Glei phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã đạt chuẩn các tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, y tế, an ninh trật xã hội và có ít nhất 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đăk Môn (2018), Đăk Pek (2019), Đăk Kroong và Đăk Choong (2020); phấn đấu mỗi năm các xã đạt thêm từ 1 đến 2 tiêu chí, đến năm 2025 toàn huyện có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bà Đinh Thị Y Ngọc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết, tuy bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, nhưng thực tế chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đăk Glei còn gặp nhiều khó khăn, như: tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chưa nhiều; việc vận động người dân tham gia thực hiện dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng “cánh đồng lớn” để liên kết đầu tư, tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng và đầu tư kết cấu hạ tầng để xây dựng nông thôn mới nói chung còn thấp so với nhu cầu thực tế; một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự vươn lên thoát nghèo…

Huyện Đăk Glei xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu và tham gia xây dựng nông thôn mới; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi; phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ lớn  phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, nhất là cây cà phê, cây dược liệu… - bà Đinh Thị Y Ngọc cho biết.

Bài ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác