Đăk Glei: Phát triển chăn nuôi gia súc góp phần giảm nghèo bền vững

17/03/2023 13:02

Từ nhiều năm nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Glei duy trì thói quen chăn nuôi gia súc nhằm tận dụng hết thời gian nông nhàn, tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ giống vật nuôi của Nhà nước dành cho hộ nghèo và cận nghèo đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Đăk Glei đạt khoảng 29.770 con. Trong đó, đàn trâu có 3.600 con, đàn bò có 11.170 con và đàn heo có 15.000 con. Huyện Đăk Glei hiện có 82 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, 1 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và đang tiếp tục phát triển 26 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ lên trang trại chăn nuôi quy mô vừa. Nhìn chung, các mô hình chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Đăk Glei đang được người dân phát triển ổn định và tạo thu nhập bền vững.

Người dân thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék chăm sóc đàn bò. Ảnh: TL

 

Ông A Min (55 tuổi) ở thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei) phấn khởi “khoe”: Gia đình tôi chăn nuôi bò 30 năm rồi; hiện gia đình  đang nuôi 4 con bò. Buổi sáng, khi đi làm rẫy chúng tôi dắt bò đi theo để thả bò gặm cỏ ăn ở khu vực nà rẫy, bãi hoang, đến buổi chiều thì dắt bò về chuồng; gia đình cũng trồng thêm cỏ voi ở gần nhà nhằm bổ sung thức ăn cho bò, giúp đàn bò mau lớn, bán cho thương lái, thêm nguồn thu nhập hàng năm. Chính nhờ kết hợp đầu tư trồng trọt với chăn nuôi bò nên gia đình tôi đã thoát nghèo và dành dụm, tích lũy để xây nhà, mua tivi, xe máy và các vật dụng có giá trị khác phục vụ đời sống, sản xuất.

Thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pék hiện có 295 hộ, hầu hết là đồng bào Giẻ-Triêng. Các hộ gia đình trong thôn đã nuôi tống cộng 395 con bò với 120 chuồng nuôi nhốt. Các chuồng nuôi được xây dựng đảm bảo, tránh gió lùa, mưa tạt, tách rời với nhà ở và không gây ô nhiễm môi trường. Bà con nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi để giúp bò mau lớn và hạn chế dịch bệnh.

Ông A Vít- Trưởng thôn Pêng Sal Pêng cho biết: Nhờ có các chương trình hỗ trợ bò sinh sản của Nhà nước, số hộ nghèo trong thôn Pêng Sal Pêng giảm dần qua từng năm, hiện trong thôn chỉ còn 16 hộ nghèo. Các hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ bò đã tích cực chăm sóc, sinh sản thêm nhiều bê con, tạo thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, thôn tiếp tục vận động người dân tăng dần số lượng đàn bò, thực hiện trồng cỏ và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi từ nuôi bò truyền thống sang các giống bò lai để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Bà Trần Hoàng Ngọc Tuyết ở thôn Broong Mỹ, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu nuôi heo từ năm 2002, sau đó tăng dần số lượng. Đến nay, gia đình đang nuôi khoảng 500 con heo (gồm 55 nái sinh sản và các lứa heo thịt). Việc nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt, giai đoạn giá heo thịt lên cao thì lợi nhuận của gia đình có thể đạt 500 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi heo hiệu quả tại thôn Broong Mỹ, xã Đăk Môn. Ảnh: T.L

 

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng của huyện Đăk Glei tiến hành tiêm phòng 8.925 liều vắc xin lở mồm long móng, 8.925 liều vắc xin tụ huyết trùng, 9.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho trâu, bò; tiêm 450 liều vắc xin lở mồm long móng và 5.350 liều vắc xin Tam Liên (TRI I.VAC) cho heo. Công tác phun khử trùng, tiêu độc môi trường, phòng chống dịch bệnh trên gia súc được UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn chú trọng triển khai và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện, qua đó  góp phần kiềm chế bệnh dịch trên đàn gia súc của địa phương.

Bà Đinh Thị Y Ngọc- Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đăk Glei khẳng định: Trong thời gian đến, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei tiếp tục phối hợp với các địa phương trên địa bàn tuyên truyền vận động, khuyến khích các hộ gia đình tăng số lượng đàn gia súc để nâng cao thu nhập; tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất gắn với nhu cầu tiêu thụ thị trường, góp phần phát triển chăn nuôi có tính ổn định trên địa bàn huyện. Đồng thời, xây dựng các mô hình phòng, chống đói rét cho đàn gia súc để từng bước nhân rộng trên địa bàn, dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân trong lĩnh vực chăn nuôi; thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi.         

Tấn Lộc

Chuyên mục khác