Đăk Glei: Phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững

06/12/2017 13:32

​Tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng, đất chưa sử dụng để phát triển những loài cây dược liệu có sẵn ở địa phương, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế là vấn đề đang được huyện Đăk Glei quan tâm thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Trên địa bàn huyện Đăk Glei có nhiều loại cây dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, đảng sâm (sâm dây), sâm đương quy, sa nhân, ba kích, kim tuyến, na rừng, culi.... mọc dưới tán rừng. Các loại dược liệu đều có giá trị kinh tế cao và sức tiêu thụ cũng rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Xuân Lộc – Phó Chủ tịch UBND huyện,  trong thời gian qua, trước nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm dược liệu tăng cao, cộng với nhận thức và ý thức của người dân còn hạn chế nên việc khai thác nguồn dược liệu trên địa bàn huyện diễn ra một cách tràn lan, tự phát, chưa theo quy hoạch. Người dân chủ yếu mới chỉ khai thác các sản phẩm sẵn có trong tự nhiên theo kiểu cứ có là lấy mà ít chú ý đến khả năng tái sinh, phát triển của các loài. Vì vậy, có những thời điểm, nhiều loại dược liệu bị khai thác một cách triệt để, tận diệt.

Hơn nữa, việc phát triển dược liệu trên địa bàn huyện còn rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch. Hiện tại, trên địa bàn huyện Đăk Glei mới chỉ có một số loại cây như sâm Ngọc Linh, đảng sâm, sâm đương quy được trồng trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh nhưng quy mô, diện tích không lớn, chưa tập trung, chủ yếu là trồng xen với các loại cây trồng khác.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện có khoảng 2ha, đẳng sâm khoảng 40ha, đương quy hơn 10ha... Các loại dược liệu khác như kim tuyến, na rừng, culi... người dân khai thác sẵn có trong tự nhiên, chưa phát triển.

Khâu tiêu thụ sản phẩm cũng là một trong những vấn đề đáng bàn bởi tất cả đều do tư thương thu mua theo hình thức “thuận mua vừa bán”, chưa có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, giá cả các sản phẩm dược liệu rất bấp bênh, không ổn định, tiểu thương tìm đủ cách ép giá. Chẳng hạn như cây sâm đương quy ở Mường Hoong, thời điểm thương lái thu mua nhiều có giá lên tới 40.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng thời điểm thương lái thu mua ít thì chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg và việc tiêu thụ rất chật vật.

Ông Trịnh Xuân Lộc cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện khá lớn, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã có định hướng và chủ động xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu nhằm khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn dược liệu này; đồng thời giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Đây được coi là hướng mở giúp người dân thoát nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện đi lên.

Theo đó, đối với cây sâm Ngọc Linh, có 3 xã nằm trong quy hoạch là Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp với diện tích khoảng 9.385ha; các loại  như đảng sâm, đương quy, sa nhân, kim tuyến phù hợp với các xã phía bắc huyện với diện tích tương đối lớn.

Phát triển cây sâm dây ở Mường Hoong. Ảnh: H.N

 

Hiện tại, UBND huyện Đăk Glei cũng đã xây dựng được đề án phát triển sâm Ngọc Linh và đảng sâm trên địa bàn các xã Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025. Huyện sẽ ưu tiên dành nhiều nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển các loại cây này. Đặc biệt, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước như chương trình 135, 20a, 102 về hỗ trợ sản xuất; dự án bảo tồn, nhân rộng và phát triển cây dược liệu trên địa bàn các xã phía bắc, mô hình trồng sâm dây của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh...  Một số đơn vị cũng đã mua và cấp nhiều giống cây dược liệu để hỗ trợ cho người dân trồng.

Để người dân nhận thức đúng về tiềm năng, giá trị và nâng cao ý thức trong việc khai thác các loài cây dược liệu, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Đăk Glei đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khai thác đi đôi với bảo tồn, tuyệt đối không khai thác ồ ạt theo kiểu tận diệt; khai thác có chọn lọc, chọn lựa. Hiện nay, người dân một số nơi đã từng bước hiểu và có ý thức trách nhiệm trong việc khai thác dược liệu để đảm bảo tính lâu dài, ổn định, bền vững.

Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và |Phát triển nông thôn của huyện phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức hướng dẫn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch các loại cây dược liệu, nhất là cây sâm dây và sâm Ngọc Linh. Đồng thời, chính quyền các xã hướng dẫn người dân xây dựng hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình nhóm hộ. Chẳng hạn như ở xã Ngọc Linh, toàn xã đã thành lập được 5 nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh, mỗi nhóm gồm 25 – 30 gia đình cùng trồng ở một diện tích nhất định rồi rào vườn, trông coi, canh giữ.

 Song song với việc bảo tồn, phát triển về diện tích, quy mô, ông Lộc còn cho biết thêm, huyện cũng sẽ từng bước kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp thu mua, chế biến dược liệu thực hiện bao tiêu sản phẩm cho người dân để ổn định đầu ra, tránh tình trạng nông dân bị tư thương o ép, làm giá.

Có thể nói, việc phát triển cây dược liệu theo hướng có trọng tâm, trọng điểm gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm của huyện Đăk Glei là hướng đi đúng. Việc làm này cũng làm tăng tính ổn định bền vững hệ sinh thái rừng, không làm ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện.

Hương Nga 

Chuyên mục khác