05/06/2021 06:13
Ngay sau khi phát hiện 1 con trâu với trị giá khoảng 20 triệu đồng của gia đình bị chết do tụ huyết trùng, ông A Tĩnh, thôn Bung Koong, xã Đăk Plô nhanh chóng đưa đàn trâu, bò từ rừng về chăn thả tại vườn nhà. Tất cả 4 con đưa về hiện đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. “Mình được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị cho đàn trâu, bò khi bị mắc bệnh. Sau khi xảy ra dịch trên trâu, bò, bà con trong làng lo lắng lắm, giờ ai nấy đều tìm cách đưa trâu, bò về gần nhà để theo dõi, chăm sóc” - ông A Tĩnh cho biết.
Cách đây vài ngày, anh A Ngũ, trưởng thôn Bung Koong cũng phát hiện 1 con trâu mẹ trong đàn 8 con trâu, bò của gia đình bị chết. Anh cùng bà con thực hiện đào hố, tiêu hủy tại rừng. Cùng với đó, anh làm gióng, đưa đàn trâu từ rừng về gần nhà để chăn thả. Anh cho biết, tính đến nay, ở thôn đã có 5 con trâu và 1 con bò chết do tụ huyết trùng. Việc chăn thả rông khiến dịch bệnh lây lan cũng như khó khăn trong quá trình phòng, chống, điều trị dịch bệnh cho trâu, bò. Chính vì thế, được chính quyền địa phương, cán bộ thú y tuyên truyền, đa số người dân đã lùa trâu bò về chăn thả riêng.
Dịch bệnh trên đàn trâu, bò tại xã Đăk Plô được phát hiện vào khoảng cuối tháng 4. Xuất phát từ hộ gia đình ông A Xin, làng Pêng Lang phát hiện 3 con trâu chết không rõ nguyên nhân. Từ thực tế, xã đã báo cáo ra Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Phòng đã cử cán bộ chuyên môn về thú y vào, mổ, khám lâm sàng và chẩn đoán bị tụ huyết trùng cấp tính.
|
Mặc dù chính quyền xã, cán bộ thú y đã thực hiện các biện pháp tiêu hủy, rải vôi bột khử trùng, vệ sinh khử trùng tiêu độc tại các hộ chăn nuôi bị dịch… nhưng dịch bệnh tiếp tục lây lan và đến nay đã khiến 83 con trâu, bò tại 4 làng trên địa bàn xã bị chết. Trong đó, có hộ bị thiệt hại đến 5 con trâu, bò.
Ông A Hà – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đó, ở bên Lào đã xuất hiện dịch bệnh khiến trâu bò chết. Có thể trong quá trình chăn thả rông ở khu vực giáp ranh, đàn trâu, bò trên địa bàn xã bị lây bệnh. Ở đây, ngoài việc làm lúa nước, làm mỳ, việc chăn nuôi là nguồn kinh tế chính của bà con, chính vì vậy, dịch bệnh xảy ra đã gây thiệt hại nặng cho bà con. Hiện tại, xã đã vận động người dân đưa trâu, bò về chăn thả gần nhà. Cùng với đó, hướng dẫn người dân cách điều trị, tiêm vắc xin phòng bệnh.
Tương tự, từ cuối tháng 4, trên địa bàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cũng xuất hiện tình trạng trâu, bò chết vì tụ huyết trùng. Ông A Nhập – Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết, đến nay, dịch bệnh đã làm chết 118 con trâu, bò/1.000 con trâu, bò tại 4 làng: Đăk Ung, Đăk Ga, Rooc Mẹt, Rooc Nầm.
|
Trước tình hình dịch bệnh xảy ra, dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, người dân đã khoanh vùng, đưa trâu bò về chăn thả, đồng thời chủ động điều trị theo hướng dẫn. “Với thói quen chăn nuôi thả rông, việc đưa đàn trâu, bò về gần nhà gặp nhiều khó khăn. Đến nay, có nhiều hộ chưa tìm thấy, chưa đưa được đàn trâu, bò từ rừng trở về. Cùng với đó, trên địa bàn xã chỉ có 1 cán bộ thú y nên việc phòng chống dịch, tiêm vắc xin phòng bệnh, hỗ trợ bà con điều trị cho đàn trâu, đàn bò gặp khó. Với các hộ dân kịp thời đưa đàn trâu, bò về gần nhà, chủ động điều trị, đa số đều được chữa khỏi” – ông A Nhập cho biết.
Ngay khi nhận thông tin trâu, bò chết không rõ nguyên nhân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ chuyên môn đến mổ, khám lâm sàng và chẩn đoán nguyên nhân do tụ huyết trùng cấp tính. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn lên phác đồ điều trị và tiêu hủy, tiêu trùng, khử độc trên đàn gia súc.
|
Được tỉnh cấp 29.300 liều vắc xin, trong đó 9.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, trong tháng 5, đơn vị đã khẩn trương triển khai tiêm vắc xin cho đàn gia súc tại các xã, thị trấn, trong đó, chú trọng tại 2 xã Đăk Nhoong, Đăk Plô. Theo đó, đến nay, đã tiêm 500/580 liều vắc xin tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò tại xã Đăk Plô; tiêm 774 liều/1.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trên đàn trâu bò tại xã Đăk Nhoong. “Chúng tôi đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. Đến nay việc tiêm phòng chiếm hơn 54%. Cùng với việc hướng dẫn bà con điều trị, đã có 393/594 con trâu, bò mắc bệnh được chữa trị khỏi” – bà Đinh Thị Y Ngọc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei thông tin.
Theo lời bà Ngọc, hiện nay, nhân sự ít (mỗi xã chỉ còn 1 cán bộ thú y), địa bàn rộng, người dân lại thả rông trâu, bò nên việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc gặp nhiều khó khăn. Về dài lâu, để hỗ trợ các địa phương triển khai tốt nhất công tác phát triển chăn nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên gia súc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã lên kế hoạch định hướng tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Trong đó, dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển trang trại quy mô vừa đối với đàn trâu, bò; đối với lợn sẽ phát triển 4 mô hình trang trại lớn, 29 mô hình trang trại vừa.
Hoài Tiến