08/12/2024 13:05
Sau khi lập gia đình và tách hộ năm 2015, cuộc sống gia đình anh A Cường (31 tuổi, dân tộc Gié-Triêng) ở thôn Đăk Mi, xã Đăk Choong gặp nhiều khó khăn. Không thể để cái nghèo đeo đám mãi, anh Cường quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nghĩ là làm, bước đầu, gia đình anh trồng 1ha mì và 2 sào lúa nước để đảm bảo lương thực và chi phí sinh hoạt trong nhà. Tiếp đó, anh A Cường mạnh dạn vay vốn Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đăk Glei với số tiền 50 triệu đồng để trồng và chăm sóc 0,5ha cà phê trồng xen bời lời. Ngoài ra, tận dụng thời gian nông nhàn, anh Cường làm thợ xây cho các hộ gia đình trong và ngoài thôn.
Với sự tích cực, cần cù, chịu khó trong làm ăn, hiện nay, gia đình anh A Cường có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Nguồn vốn tích góp giúp gia đình anh xây dựng được ngôi nhà khang trang và rộng rãi. Đáng mừng hơn, cuối năm 2023, gia đình anh Cường chính thức được công nhận thoát nghèo trong sự khâm phục của bà con trong thôn về nghị lực vươn lên không cam chịu đói nghèo.
Anh A Cường bộc bạch: Tôi không muốn cứ mãi là hộ nghèo để trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì vậy, tôi dành tất cả thời gian, công sức của mình để lao động, sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập, từ đó có điều kiện để chăm sóc tốt cuộc sống gia đình và cho các con ăn học. Trong thời gian đến, gia đình tôi sẽ trồng thêm cây mắc ca trong vườn nhà để có thể tăng thêm thu nhập.
|
Tương tự, gia đình chị Y Loan (30 tuổi, dân tộc Gié-Triêng) ở thôn Đăk Bla, xã Đăk Choong là tấm gương về ý chí tự lực vươn lên tại địa phương.
Sau khi lập gia đình vào năm 2016, vợ chồng chị vay 30 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đăk Glei để đầu tư phát triển kinh tế. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” , thực hành tiết kiệm và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chị Loan đã đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả từ “nguồn vốn trợ lực” này, kinh tế của gia đình chị Y Loan từng bước nâng lên. Vì vậy, hộ gia đình chị Loan được công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2023. Đến nay, gia đình chị đã phát triển được 1ha cà phê trồng xen bời lời, duy trì chăn nuôi 3 con trâu và 2 con bò.
|
Tại xã Xốp, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã và đang ra sức lao động, sản xuất để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương.
Tiêu biểu như gia đình chị Y Tên (dân tộc Gié-Triêng) ở thôn Kon Liêm. Từ nguồn hỗ trợ của gia đình và người thân, gia đình chị nuôi 3 con bò, phát triển 4 sào cà phê, 5 sào mì. Cùng với đó, gia đình chị được hỗ trợ nuôi bò cái sinh sản từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Không phụ công chăm sóc, các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình chị Y Tên phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định mỗi năm, là cơ sở để gia đình chị thoát nghèo bền vững. Trong thời gian đến, chị Y Tên sẽ tăng số lượng đàn bò, tạo tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả gia đình.
Từ việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước và ý chí vươn lên phát triển kinh tế của người dân, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đăk Glei dần được nâng lên. Số hộ thoát nghèo tại huyện Đăk Glei năm 2021 có 763 hộ, năm 2022 có 607 hộ, năm 2023 có 210 hộ; dự kiến năm 2024, huyện Đăk Glei có 126 hộ thoát nghèo.
Tấn Lộc