Đăk Glei: Một năm nỗ lực vượt khó

11/01/2017 18:03

Trong điều kiện khó khăn của một huyện vùng sâu, biên giới; ảnh hưởng của thời tiết bất thường, nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước giảm so với trước, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, trong năm 2016, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei đã triển khai thực hiện và gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau vụ thu hoạch cà phê được giá, mặc dù bận rộn với những công việc cuối năm nhưng ông A Tấn (thôn Đăk Glei, xã Đăk Choong) vẫn tranh thủ chăm sóc, tỉa lại cành, chuẩn bị bón phân cho vườn cà phê với mong muốn sang năm vườn cà cho nhiều quả. Tuy diện tích cà phê nhà ông Tấn không nhiều, nhưng cùng với rẫy mỳ, ruộng lúa và chăn nuôi thêm heo gà, thu nhập trong năm của gia đình ông cũng tạm ổn.

Nhiều hộ ở xã Đăk Choong thoát nghèo nhờ trồng cà phê. Ảnh: C.C

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tấn cho biết, gia đình trồng được 3 sào cà phê. Mỗi năm thu được 2-3 tấn. Năm nay, giá cà phê tăng cao so với mấy năm trước nên nguồn thu cũng tương đối khá. Có tiền, vợ ông mua sắm thêm nhiều đồ dùng sinh hoạt trong nhà, đồ ăn thức uống, chuẩn bị cho một cái tết tươm tất hơn. Mọi người sẽ có một cái tết vui vẻ, ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.

Trong triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những năm qua, lãnh đạo xã Đăk Choong đặc biệt ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển các loại cây lâu năm, nhất là cây cà phê và bời lời. Riêng trong năm 2016, toàn xã đã trồng mới gần 10ha cây cà phê và hơn 12ha cây bời lời, nâng tổng diện tích cây cà phê trong toàn xã lên 324ha, trong đó có 275ha đã cho thu hoạch; tổng số diện tích cây bời lời hiện có hơn 435ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.

Ông A Tương - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, nhờ nguồn thu từ cà phê và bời lời, hầu hết người dân trong xã có cuộc sống ổn định, tết này bà con sẽ ăn tết to hơn mấy năm trước.

Rời Đăk Choong, chúng tôi đến thăm bà con thôn Đăk Trấp, xã Đăk Pét. Tại đây, chúng tôi thấy rất đông người dân từ trẻ đến già, mỗi người một việc, đang làm việc hối hả trong những ngày cuối năm để sớm hoàn thành con đường bê tông xi măng dài trên 300m trong thôn. Tuy nguồn vốn hỗ trợ làm đường chuyển về muộn so với kế hoạch nhưng bà con rất phấn khởi và huy động nhân lực, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành để đón năm mới.

Trò chuyện với ông A Nhu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, ông vui vẻ nói rằng bà con ở đây rất đồng tình ủng hộ phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bà con tự nguyện hiến đất và góp ngày công, tích cực tham gia làm đường để phục vụ cho việc đi lại của cộng đồng. Không chỉ làm đường, người dân trong thôn cùng chung tay góp sức thực hiện có hiệu quả các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đường bê tông ở xã biên giới Đăk Nhoong. Ảnh: C.C

 

Ông A Tuyển - Phó Chủ tịch UBND xã tự hào cho biết kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đạt nhiều thành tựu quan trọng, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, biết áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi tăng cao, từ đó thu nhập cũng nâng lên so với các năm trước.

Rời Đăk Pét, chúng tôi đến thăm gia đình chị Y Diễm ở thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong. Từng là hộ nghèo, nhưng nhờ chịu khó làm ăn, được các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vài năm gần đây, mô hình nấu rượu, chăn nuôi heo của gia đình chị đã phát huy hiệu quả. Không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà chị còn là một trong những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.

Chị Y Diễm cho hay, gia đình chăn nuôi heo mỗi năm 2 lứa. Bán 2 đợt được 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi 50 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi, gia đình còn làm thêm rẫy, trồng cây bời lời, làm ruộng lúa nước, tổng thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân làng Đăk Brỏi bón phân cho lúa. Ảnh: C.C

 

Những năm gần đây, xã Đăk Kroong đã biết tận dụng những lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời, trở thành xã có diện tích cây cao su nhiều nhất huyện với trên 412ha. Những tháng cuối năm 2016, khi giá mủ cao su tăng lên, đời sống của người dân cũng được cải thiện đáng kể.

Ông A Thẳng - Chủ tịch UBND xã khẳng định, năm 2016, UBND xã chỉ đạo các thôn tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Qua công tác tuyên truyền, vận động, bà con đã nâng cao nhận thức, nỗ lực tăng gia sản xuất, phấn đấu thoát nghèo. Thu nhập tăng nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã được cải thiện đáng kể.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền, tinh thần nỗ lực vượt khó của bà con, kết thúc năm 2016, kinh tế- xã hội huyện Đăk Glei đã có bước phát triển đáng kể, nhất là việc quan tâm nâng cao đời sống của người dân.

Ông Đỗ Sum - Phó Chủ tịch UBND huyện tự hào cho biết: Các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp đạt 100% kế hoạch. Bà con ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển diện tích, chăm sóc cây cà phê, năng suất năm nay đạt 11 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Với cây cao su tiểu điền, bà con tập trung chăm sóc diện tích đã trồng, không có tư tưởng phá bỏ do giá mủ thấp trong thời gian qua. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,16%, đạt 100% so với kế hoạch; hộ nghèo trong năm đã giảm được 6% so (kế hoạch giảm từ 3-4%)...

Cao Cường

Chuyên mục khác