20/01/2023 06:34
Huyện Đăk Glei có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 107.465ha (rừng tự nhiên là 104.381ha, rừng trồng là 3.084ha). Từ năm 2021 đến nay, tổng diện tích các đơn vị chủ rừng giao khoán cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư là 33.494,27ha. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei được giao quản lý, bảo vệ 11.708,72ha rừng ; Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh quản lý, bảo vệ 15.001,6ha và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei là 6.783,95 ha.
|
Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh hiện đang giao khoán bảo vệ rừng cho 35 cộng đồng dân cư; đơn giá giao khoán là 400.000 đồng/ha/năm. Qua thực tế triển khai, việc giao khoán được chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đồng thuận cao. Các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng chủ động lên kế hoạch cụ thể và tổ chức phân công lực lượng tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên, bài bản. Chính vì vậy, việc tuần tra, bảo vệ rừng dần đi vào khuôn khổ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên diện tích rừng giao khoán.
Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thường xuyên bám sát địa bàn được phân công, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong quần chúng nhân dân. Trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức được 73 cuộc tuyên truyền với 6.358 lượt người tham gia; nội dung tuyên truyền gồm các luật, nghị định, chỉ thị và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Lê Mạnh Tiến- Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho hay: “Việc giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức và tăng cường tinh thần trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các thôn nhận giao khoán đã đưa nội dung ràng buộc về ý thức tham gia quản lý, bảo vệ rừng của người dân trong hương ước, quy ước của cộng đồng thôn làng; thành lập các tổ nhóm tuần ra khu vực rừng, phát huy được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép”
Thôn Đông Lốc, xã Đăk Man (huyện Đăk Glei) được giao khoán bảo vệ 433,39ha rừng. Đến nay, thôn đã bầu ra 5 tổ tuần tra, bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 5-10 thành viên; các tổ luân phiên đi vào rừng từ 4-5 lần/tháng.
|
Anh A Trâm (thôn Đông Lốc, xã Đăk Man) chia sẻ: “Nhờ có nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con chúng tôi có kinh phí để tự tổ chức các sự kiện lớn trong thôn như Ngày hội bánh chưng xanh, Lễ mừng lúa mới, Ngày hội đại đoàn kết. Bên cạnh đó, hàng năm người dân có thêm thu nhập từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng để trang trải cho cuộc sống gia đình, nên mọi người rất phấn khởi và tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng”.
Huyện Đăk Glei hiện có 87 cộng đồng, 6 hộ gia đình, 5 tổ chức, 10 nhóm hộ tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng. Nhìn chung, các cộng đồng, tổ chức, cá nhân sau khi nhận giao khoán đã phát huy tinh thần, trách nhiệm, chung tay thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các trường hợp khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy được ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng.
Ông A Tương- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) cho biết: “Trước đây, người dân địa phương có thói quen phá rừng làm rẫy, chặt cây gỗ trong rừng để làm nhà. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương và ngành chức năng, thì việc giao khoán bảo vệ rừng cũng đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng của người dân, từ đó tình trạng trên không còn xảy ra trong cộng đồng. Người dân khuyên bảo nhau không được phá rừng, nếu người nào có dấu hiệu vi phạm Luật Lâm nghiệp thì cả cộng đồng cùng đấu tranh và ngăn chặn, nên hiệu quả giữ rừng rất tốt”.
Năm 2022, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Glei giảm 3/3 tiêu chí so với năm 2021 (phát hiện vi phạm 18 vụ, giảm 56,1%; khối lượng gỗ vi phạm giảm 60,44m3; diện tích rừng thiệt hại giảm 1,051ha); toàn huyện không xảy ra cháy rừng.
Ông Hoàng Trung Thông- Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng huyện Đăk Glei khẳng định: “Việc giao khoán bảo vệ rừng đã mang lại nhiều lợi ích đối với chủ rừng và các cộng đồng dân cư, giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập người dân tại các khu vực giáp rừng. Thời gian đến, huyện Đăk Glei tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các cộng đồng này phát huy hơn nữa vai trò trong quản lý, bảo vệ rừng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện”.
Tấn Lộc