Đăk Glei: Chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới

06/02/2018 04:13

​Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và gắn sản xuất với tái cơ cấu nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những chuyển biến tích cực ở Đăk Glei.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Theo ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện, bằng việc huy động các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, bộ mặt cơ sở hạ tầng nông thôn các xã ở huyện Đăk Glei có những chuyển biến tích cực.

Để việc xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi, thông qua công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, người dân hiểu rằng việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng cuộc sống cho chính mình, nên đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc làm đường giao thông, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học… mà không đòi hỏi đền bù.

Đào hố rác xử lý chất thải ở xã Đăk Môn. Ảnh: V.N

 

Phong trào làm đường giao thông phát triển mạnh ở các xã Đăk Môn, Đăk Pét, Đăk Kroong, Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong… Phần lớn các thôn làng ở các xã đều có đường bê tông đi dọc thôn xóm, nhiều tuyến được mở đến các khu sản xuất. Số thôn, làng có đường bê tông cứng hóa, đạt chuẩn 70/102 thôn, đạt 68,8%. Nhiều công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng, nâng cấp bảo đảm nước tưới tiêu cho đồng ruộng và nhiều loại cây trồng khác.

Hệ thống trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao thôn, trạm y tế ở các xã… ngày càng được hoàn thiện và từng bước đáp ứng các yêu cầu nông thôn mới. Không tính các năm trước, chỉ riêng năm 2017, huyện đầu tư xây mới 10 lớp học mầm non ở các xã.

Cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc, nhà cửa người dân cũng ngày càng được xây dựng khang trang hơn. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển còn tạo ra những động lực mới cho địa phương phát triển trên nhiều phương diện.   

Sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Gắn sản xuất với tái cơ cấu nông nghiệp, bên cạnh các cây trồng truyền thống như lúa, bắp, mì, huyện tập trung vào việc hỗ trợ và vận động nhân dân ở các xã khu vực phía nam phát triển mạnh các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cây cao su ở xã Đăk Môn, Đăk Kroong, Đăk Long; cà phê vối ở xã Đăk Long; các xã vùng Đông Trường Sơn như Đăk Man, Đăk Blô, Đăk Choong, Xốp, Mường Hoong, Ngọc Linh lại phát triển mạnh cây cà phê chè xứ lạnh.

Cây cà phê chè ở xã Đăk Man. Ảnh: V.N

 

Trao đổi về việc phát triển cây trồng chiến lược, bà Y Viên - Chủ tịch UBND xã Đăk Môn cho biết, nhờ có chủ trương, chính sách phát triển đúng đắn, đến nay, xã Đăk Môn phát triển trên 900ha cao su. Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng có cao su đi vào khai thác cuộc sống được ổn định và khá giả. Từ việc “bán mặt” trên nương rẫy với cây lúa, mì nhưng không đủ ăn, khi chuyển sang phát triển mạnh cây cao su, bà con có “của ăn của để”. Nguồn thu bình quân 1ha cao su/lần cạo của một gia đình hiện nay đạt khoảng 400-500 nghìn đồng, có khi còn cao hơn cả một vụ thu hoạch lúa rẫy. Cây cao su đang trở thành cây trồng chính giúp cho nhiều hộ gia đình có cuộc sống phát triển ổn định và bền vững.

Ở các xã Đăk Man, Đăk Blô, Xốp…, nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định và khá giả nhờ phát triển cây cà phê chè xứ lạnh. Ông A Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man khẳng định, trong những năm gần đây, nguồn thu nhập chính của người dân trong xã là từ cây cà phê chè xứ lạnh. Đặc biệt cây cà phê chè xứ lạnh giống TN1 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ theo Đề án phát triển cà phê xứ lạnh tuy mới đi vào kinh doanh nhưng đạt năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha. Cây cà phê chè đang giúp người dân giảm nghèo và thực hiện có hiệu quả nhiều chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Sản xuất gắn tái cơ cấu nông nghiệp, tính đến cuối năm 2017, huyện Đăk Glei phát triển 4.027ha cây lương thực (3.387,7ha lúa, 640ha bắp), 3.854ha mì, 1.528,4ha cà phê, 1.557,8ha cao su, gần 3.000ha bời lời… Trong chăn nuôi cũng có bước phát triển khá, nhất là phát triển đàn gia súc. Theo số liệu thống kê, huyện hiện có đàn trâu 2.700 con, đàn bò 7.496 con, đàn heo 10.350 con… Đặc biệt, đàn bò đang được cải tạo bằng giống bò lai Brahman để nâng cao chất lượng đàn bò địa phương.

Có thể nói, với việc huy động các nguồn lực và sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với việc gắn sản xuất với tái cơ cấu nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần người dân huyện Đăk Glei được nâng lên một bước.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác