Đăk Glei chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

04/07/2021 13:07

Thời gian qua, UBND huyện Đăk Glei tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn để tăng giá trị sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Bà Đinh Thị Y Ngọc- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Glei cho biết: Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ”, huyện Đăk Glei tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, định hướng phát triển, quy hoạch những vùng sản xuất quy mô lớn. Tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cho các hộ nông dân và các HTX nông nghiệp. Từ đó, phát triển nhiều mô hình kinh tế và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị sản xuất, từng bước đưa kinh tế nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện Đăk Glei đạt 87% (100% kế hoạch); cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng qua các năm (34,7 triệu đồng vào năm 2020, đạt 100% kế hoạch). Diện tích cây trồng chủ lực của huyện được quan tâm phát triển, trong đó cây cao su đạt 1.533,8ha; cà phê 1.729,3ha; sâm Ngọc Linh hơn 6,63ha và hơn 250ha các loại dược liệu khác (như hồng đẳng sâm, đương quy, đinh lăng...).

Hơn 1ha cây mắc ca của gia đình anh A Phot cho thu bói. Ảnh: H.T

 

Thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện Đăk Glei đã tiến hành khuyến khích, hướng dẫn người dân đưa những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và có hiệu quả kinh tế vào sản xuất. Từ đó, lựa chọn, tập trung phát triển 9 sản phẩm chủ lực như mì, cao su, cà phê, sản phẩm chăn nuôi ứng ứng dụng công nghệ cao, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác...

Hiện có 9 sản phẩm đặc trưng của huyện được cấp giấy chứng nhận và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó, sản phẩm nước giải khát sâm dây Ngọc Linh được công nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh và khu vực Tây Nguyên; sản phẩm hồng đẳng sâm thái lát Vinnae được công nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu do Ban Chỉ đạo nông thôn mới Trung ương trao tặng.

Huyện Đăk Glei tích cực triển khai thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần mở ra cơ hội phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, và nhu cầu thị trường, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt của người dân được các ngành chức năng tạo điều hỗ trợ, hướng dẫn đầu tư phát triển đem lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao  cho hộ gia đình (như: rau củ quả, cây mắc ca, nuôi trồng thủy sản...).

Mô hình chuyển đổi đất đồi trồng cây tạp kém hiệu quả sang đầu tư trồng cây mắc ca của anh A Phot (34 tuổi, thôn Đăk Tung, thị trấn Đăk Glei) là một  trong những điển hình cho việc tìm hướng đi mới trong sản xuất ở địa phương.

Đến thăm vườn mắc ca hơn 4 năm tuổi trồng xen cà phê của anh A Phot, chúng tôi được anh chia sẻ, trước đây đất rẫy được gia đình anh trồng mì và một số cây tạp, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Được cán bộ tư vấn, vận động chuyển đổi cây trồng, năm 2014, gia đình anh A Phot mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng cà phê. Nhận thấy hiệu quả, qua sự tư vấn của cán bộ địa phương, năm 2017 anh tiếp tục đầu tư trồng xen hơn 1ha cây mắc ca. Hiện, cây mắc ca đã bắt đầu cho thu bói, dự kiến cho thu nhập cao và ổn định, vì thế anh dự định vay mượn thêm vốn để đầu tư mở rộng diện tích cây trồng này.

Ngoài tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hình thành những vùng sản xuất phát triển dược liệu có liên kết theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hướng dẫn người dân hình thành, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đăk Glei đã có 63 tổ hợp tác/1.938 thành viên tham gia phát triển dược liệu, trong đó có 49 tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh, 14 tổ hợp tác trồng hồng đẳng sâm; 2 hợp tác xã và 14 tổ hợp tác liên kết bao tiêu sản phẩm hồng đẳng sâm với Công ty Cổ phần nước giải khát Ngọc Linh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả bước đầu, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, với đặc thù là huyện miền núi với nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, dịch bệnh, giao thông, kết cấu hạ tầng, nguồn thu ngân sách hạn hẹp… chính là những nguyên nhân gây cản trở không nhỏ trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ vẫn là “bài toán khó” của huyện Đăk Glei.

Vì vậy, thời gian tới, huyện Đăk Glei tiếp tục thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện, thực hiện liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tập trung tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển mạng lưới hợp tác xã, tổ hợp tác, tăng quy mô, đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh, phấn đấu nâng tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt trên 70%, mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả đạt trên 85%.     

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác