Đa dạng các giải pháp phòng, chống hạn cho cây trồng

14/03/2022 13:11

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 8.902,7ha cây ngắn ngày, 76.233ha cà phê, khoảng 6.375ha cây ăn quả. Hiện nay, tỉnh ta đang bước vào cao điểm mùa khô, công tác ứng phó, chống hạn để bảo vệ cây trồng, bảo đảm sản xuất của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đang được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm triển khai.

Ông Trần Văn Lực- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng, ngay từ đầu năm 2022 ngành Nông nghiệp chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, địa phương về việc thực hiện từng nội dung nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất; chú trọng thực hiện điều tiết nguồn nước tưới một cách hợp lý, triển khai tưới luân phiên và tiết kiệm nước, sử dụng dung tích chết của các hồ chứa để bơm tưới; kịp thời sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương tránh tình trạng thất thoát nước và đảm bảo nước tưới.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng, với 543 công trình thủy lợi hiện có (gồm 80 hồ chứa, 456 đập dâng và 7 trạm bơm) đến thời điểm này, vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất. Số liệu quan trắc mực nước các hồ chứa thủy lợi cho thấy lượng nước tích trữ các hồ chứa hiện cao hơn cùng kỳ năm trước.

Cùng với những giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi huyện, thành phố đều có phương án riêng để ứng phó với khô hạn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương như vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng lịch tưới nước linh hoạt, phù hợp cho từng địa bàn; hướng dẫn người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý; chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.

Mô hình tưới tiết kiệm bằng béc phun tự động ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Ảnh: T.H

 

Để góp phần giảm áp lực về bớt áp lực về nguồn nước tưới cho cây trồng mỗi khi mùa khô đến, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương vận động, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được một số mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun mưa và chế phẩm sinh học trong sản xuất rau an toàn, hệ thống tưới nước tiết kiệm trong trồng cà phê… nhằm giúp người dân thấy được lợi ích, hiệu quả thiết thực của việc tưới nước tiết kiệm, từ đó người dân tự giác nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng diện tích cây trồng cạn áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt trên 6.500 ha.

Theo ông Trần Văn Lực, hiện tại trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa xảy ra hán hạn, thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 4 là giai đoạn cao điểm của mùa khô nóng, khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới ở cuối vụ tại một số địa phương như thành phố Kon Tum, các huyện Sa Thầy và Đăk Hà. Dự kiến sẽ có khoảng 240ha cây trồng có khả năng bị hạn; trong đó, thành phố Kon Tum có khoảng 100ha; huyện Sa Thầy có khoảng 100ha và huyện Đăk Hà khoảng 40ha. Những diện tích này chủ yếu là canh tác ở những nơi phụ thuộc vào nguồn nước các khe suối trong khu vực hoặc nước ngầm hoặc các đập dâng. Việc chống hạn cho diện tích cây trồng này sẽ rất khó khăn, giải pháp thực hiện bơm nước từ nguồn nước xa đến để tưới rất tốn kém.

Hiện tại nguồn nước tưới trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: T.H

 

Theo kinh nghiệm thực tế, những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh đều có từ vài trăm đến hàng ngàn héc ta cây trồng bị hạn.

Để giải quyết căn cơ vấn đề về hạn hán trong mùa khô, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, các địa phương cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Mặt khác, hiện tại hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng chưa đạt 30% diện tích cây trồng cần tưới; vì vậy, về lâu dài, chúng ta cần qui hoạch vùng sản xuất mang tính tổng thể, trên cơ sở đó tính toán nhu cầu dùng nước theo cơ cấu cây trồng từng vùng để tính cân bằng nước và điều chỉnh hệ thống tưới phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân sử dụng nước, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nhằm tận dụng tối đa nguồn nước phục vụ sản xuất – ông Trần Văn Lực chia sẻ.

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể đã được đề ra và đặc biệt là sự chủ động của các ngành chức năng cùng các địa phương, chắc chắn, diện tích cây trồng bị của tỉnh khô hạn sẽ được hạn chế, giảm thiểu được thấp nhất thiệt hại do hạn hán.

Thiên Hương

Chuyên mục khác