Cuối năm thận trọng khi mua hàng khuyến mãi

04/12/2017 07:00

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao và đây là thời điểm các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đồng loạt tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những chiêu trò khuyến mãi ảo để tránh bị hớ khi mua hàng.

Mặc dù, các chương trình khuyến mãi thường được triển khai vào nhiều dịp trong suốt cả năm, nhưng khoảng thời gian cuối năm là thời điểm khuyến mãi rầm rộ nhất. Trên khắp các tuyến đường, tại các cửa hàng, cơ sở bán hàng, những băng rôn quảng cáo với vô vàn kiểu khuyến mãi như sale off, xả hàng giảm giá 30%, 50%, thậm chí có nơi treo biển hạ giá 60-70%, thanh lý cửa hàng giảm giá sốc, hay mua 2 tặng 1, mua 3 tặng 1; mua điện máy rinh ngay quà tặng… được treo nhan nhản, rất hấp dẫn người tiêu dùng. Hàng hoá khuyến mãi cũng vô cùng đa dạng từ đồ điện tử, điện lạnh, đến hàng may mặc, giày dép… Trên các trang web mua bán hàng online, những chương trình giảm giá, tặng quà khi mua hàng cũng rầm rộ không kém.

Khuyến mãi là hình thức để kích cầu tiêu dùng của các nhà kinh doanh; đồng thời, cuối năm cũng là thời điểm các nhà phân phối, bán lẻ tìm cách xả hàng cũ để chuẩn bị nhập những mặt hàng mới vào đầu năm nên họ thường có rất nhiều khuyến mãi.

Cuối năm các nhà bán lẻ thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Ảnh: N.T

 

Cũng phải thừa nhận rằng, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các chương trình khuyến mãi có ý nghĩa lớn, mang lại lợi ích thiết thực, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng ngày càng tin tưởng hơn vào các chương trình, các sản phẩm khuyến mãi.

Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp làm ăn chân chính, có rất nhiều đơn vị lợi dụng tâm lý thích mua được đồ rẻ, ham quà tặng của người tiêu dùng nên đã dùng các chiêu trò khuyến mãi ảo để tăng lợi nhuận và đánh lừa khách hàng.

Chọn một cửa hàng thời trang tương đối lớn trên đường Phan Đình Phùng đang xả hàng, chúng tôi bước vào và cũng chưng hửng khi hàng xả rất ít, chủ yếu là quần áo kém chất lượng, lỗi mốt, lẻ size; còn những chiếc áo khoác ấm, áo sơ mi, quần jean... bắt mắt lại không hề giảm giá.

Chị Vân ở đường Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Kon Tum) - một khách hàng thất vọng nói: Nhìn tấm biển treo bên ngoài, nhiều người rất dễ nhầm lẫn tưởng tất cả quần áo đều được giảm giá sâu. Nhưng thực tế chỉ có vài mẫu giảm giá thôi làm mình mất công vào xem.

Khuyến mãi hàng kém chất lượng, hàng lỗi mốt là chiêu phổ biến mà các cửa hàng thời trang thường dùng để lôi kéo khách hàng đến cửa hàng. Và khi đến nơi, khách hàng nếu không mua được hàng khuyến mãi thì cũng bị hấp dẫn bởi các mặt hàng khác và không ngại ngần móc hầu bao ra mua sắm.

Với những mặt hàng thực phẩm, hoá mỹ phẩm thì khuyến mãi thường chỉ được dành cho những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng. Các cơ sở bán lẻ tìm cách đẩy thật nhanh hàng hoá ra khỏi cửa hàng để thu hồi vốn, còn người tiêu dùng vì bị hấp dẫn bởi những món quà tặng khách hàng, mức giá sốc mà mua những loại hàng không còn sử dụng được bao lâu nữa.

Đối với những mặt hàng điện tử, điện lạnh, gia dụng..., các cửa hàng thường dùng chiêu trò nâng giá gốc lên rồi lại treo biển giám giá, tặng quà để đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều người cứ thấy hạ giá là tới mua mà không biết được giá trị thật của mặt hàng đó thế nào, do vậy rất dễ bị mua hớ, mua đắt mà không hề hay biết.

Đoạn này của điện tử: Ví dụ như sản phẩm Internet tivi LG 55 inch  4K UHD hiện đang được bán tại một hệ thống điện máy lớn với mức giá 17,99 triệu đồng cùng với bộ quà tặng trị giá 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý là mức giá trước khi giảm giá của sản phẩm lên tới 22,99 triệu đồng. Người tiêu dùng không để ý cứ nghĩ sẽ mua được sản phẩm với giá hời tới 5 triệu đồng; song trên thực tế, mẫu tivi này hiện cũng đang được bán ở các siêu thị điện máy khác với giá cũng chỉ 18 – 18,5 triệu đồng, chênh lệch gần như không đáng kể so mức giá "cực sốc" mà hệ thống trên đưa ra.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, chào mời của các điểm bán hàng gia dụng tự phát ở các chợ hay người bán hàng đến mời chào từng gia đình. Những mặt hàng này thường được chào bán với giá rất rẻ như một bộ nồi nhôm 3 cái có giá chỉ 100.000 đồng; 1 bộ thau 5 cái cũng chỉ 100.000 đồng; đồ dùng nhà bếp đồng giá 10.000 đồng/món... Hay các loại nồi cơm điện, nồi lẩu, ấm nước giá cực rẻ cũng được chào bán khắp nơi. Tuy nhiên, thực chất đây đều là những mặt hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhái.

Có thể nói, các hoạt động khuyến mãi trên thị trường hiện nay như một ma trận mà người tiêu dùng rất khó để nhận biết được đâu là chương trình thực sự, đâu là chương trình ảo. Vì vậy, để tránh “bẫy” của người bán hàng và mua được hàng chất lượng, xứng đáng với số tiền bỏ ra, mỗi người cần tỉnh táo, thận trọng khi mua hàng giảm giá. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái đang tiêu thụ trên thị trường nhưng núp bóng dưới các chiêu khuyến mại, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngọc Thắng 

Chuyên mục khác