Cuộc cạnh tranh giữa mía và mì

03/03/2017 14:01

Trong sản xuất kinh doanh, bên cạnh giá cả thị trường, đối với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến mía, mì ở tỉnh, việc phát triển vùng nguyên liệu có ý nghĩa sống còn đến sự phát triển của doanh nghiệp và hoạt động của nhà máy. Doanh nghiệp nào xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ ổn định cho nhà máy, doanh nghiệp đó sẽ thắng.

Trong các cây trồng ngắn ngày, hai cây trồng có diện tích lớn và đang có sự cạnh tranh về diện tích là mía và mì. Nguyên liệu từ củ mì và cây mía trên địa bàn tỉnh phần lớn đều phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và nhà máy chế biến đường ở tỉnh.

Sự cạnh tranh diện tích giữa cây mía và mì phụ thuộc nhiều vào chính sách phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy, giá cả thị trường và lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích từ cây trồng đó đem lại. Người nông dân chỉ phát triển cây trồng nào khi thấy chính sách của nhà máy thuận lợi và lợi nhuận thu được đem lại cho họ trên một đơn vị diện tích cao hơn.

Không tính các cây trồng khác, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong năm 2016, toàn tỉnh phát triển 1.771,1ha mía và 39.667ha mì. Sự phát triển diện tích hai cây trồng này tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy chế biến đường và các nhà máy chế biến tinh bột sắn hoạt động, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người nông dân và kinh tế địa phương.

Song trên thực tế, theo Công ty CP Đường Kon Tum, trước khi bước vào vụ chế biến đường năm 2016-2017, diện tích mía trên địa bàn tỉnh khoảng 1.100ha, sản lượng khoảng 75.000 tấn mía cây. Hàng năm, Công ty phải mua mía ở tỉnh khác từ 100.000-120.000 tấn mía cây. Do chi phí vận chuyển mía ngoài vùng (chủ yếu từ tỉnh Gia Lai) về Công ty cao nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thu hoạch mía ở thành phố Kon Tum. Ảnh: V.N

 

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hồng Thái - Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Kon Tum cho biết, để mở rộng vùng nguyên liệu, Công ty có chính sách đầu tư hỗ trợ tiền cày đất, hỗ trợ phân bã bùn cải tạo đất, đầu tư giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (tính lãi theo lãi suất cho vay cùng thời điểm của Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Kon Tum, lãi suất niên vụ 2016-2017 là 7%/năm, tương đương 0,58%/tháng) và thu mua mía nguyên liệu cho nông dân.

Tuy nhiên, trong chính sách này, Công ty chưa nói rõ việc bảo hiểm giá mía tại ruộng theo hợp đồng đầu tư là bao nhiêu để nông dân yên tâm phát triển vùng nguyên liệu.

Đối với các doanh nghiệp có các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng có các chính sách đầu tư và thu mua nguyên liệu để thu hút nông dân bán nguyên liệu cho nhà máy. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới với diện tích chuyển đổi trên 1.000ha được triển khai từ năm 2016-2018 để góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giống mì cao sản HL-S11 mới đưa vào sản xuất ở tỉnh. Ảnh: V.N

 

Thực hiện Đề án này, ngay trong vụ đông xuân năm 2016-2017, các huyện Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum chuyển đổi gần 400ha đất ruộng trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng cây mì. Nông dân ở các địa phương tham gia thực hiện Đề án được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống mì cao sản mới, thuốc bảo vệ thực vật nên rất phấn khởi. Cây mì được trồng hỗ trợ theo Đề án ở các địa phương cũng đang sinh trưởng tốt và nhiều hứa hẹn.

Cuộc cạnh tranh phát triển diện tích giữa mía và mì, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh thực hiện Đề án giúp nông dân chuyển đổi đất ruộng thường xuyên thiếu nước sang trồng cây hàng năm (chủ yếu là mì), thì nhà máy nào có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển thuận lợi hơn, biết chia sẻ lợi nhuận với nông dân nhiều hơn và giúp nông dân thu được lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cao hơn, nhà máy đó sẽ có vùng nguyên liệu ổn định và sẽ thắng. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác