28/11/2016 09:02
Theo ông Trần Văn Chương- Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, mỳ là cây trồng dễ tính, thích nghi trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, lâu nay người dân ở tỉnh thường trồng mỳ trên các đồi, núi mà ít khi trồng mỳ trên đất ruộng. Việc tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới trong vụ đông xuân sang trồng, thâm canh cây mỳ là hướng đi mới trong tái cơ cấu nông nghiệp.
“Việc chuyển đổi này vừa giúp nông dân hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra trong mùa khô bởi cây mỳ cần ít nước tưới, vừa dành nguồn nước tưới cho cây lúa, cây công nghiệp, vừa nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.” - ông Chương cho biết.
Theo nghiên cứu của ngành Nông nghiệp tỉnh, kinh nghiệm chuyển đổi sang trồng mỳ trên đất lúa vụ đông xuân của tỉnh Tây Ninh cho thấy, lợi nhuận trồng mỳ thấp nhất 27 triệu đồng/ha, cao nhất 40-50 triệu đồng/ha (nếu thâm canh đạt năng suất 60-70 tấn/ha); nhu cầu nước tưới ít, phù hợp với nhu cầu nguồn nguyên liệu rải vụ của các nhà máy chế biến mỳ.
So với cây mỳ, lợi nhuận từ trồng lúa vụ đông xuân ở Kon Tum đạt chỉ 9,5-10 triệu đồng/ha, nhưng rủi ro về hạn hán do nhu cầu sử dụng nước cao hơn, nếu không khắc phục kịp thời về nước tưới lúa sẽ thiệt hại mất trắng.
Để thực hiện việc chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước tưới trong vụ đông xuân sang trồng mỳ, năm nay, tỉnh giao cho Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ phân bón, giống mỳ cao sản KM419, HL-S11 và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia thực hiện Đề án. Các giống mỳ này cũng được khảo nghiệm thành công ở tỉnh.
|
Theo ông Đoàn Năng Rường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, hiện nay, các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh triển khai trồng mỳ theo Đề án. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với các địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và người dân đang trồng mỳ theo kế hoạch.
Có nhiều cách làm hay trong chuyển đổi. Tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, để giúp nông dân chuyển đổi thuận lợi, UBND xã hợp đồng với các chủ máy cày cày xới đất đồng loạt trên đồng ruộng thiếu nước tưới vụ đông xuân chuyển sang trồng mỳ. Việc này, giúp nông dân xuống giống mỳ tập trung và thuận lợi cho khâu tưới nước, chăm sóc mỳ.
Để cuộc cách mạng thành công, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh yêu cầu nông dân phải xuống giống mỳ kịp thời vụ, đồng thời bón phân, tưới nước theo yêu cầu kỹ thuật thâm canh, rút ngắn thời gian sinh trưởng cây mỳ còn 7-8 tháng nhưng khi thu hoạch vẫn đảm bảo đạt năng suất cao và trả lại đất cho sản xuất lúa vụ mùa năm 2017.
Với sự hỗ trợ của tỉnh, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và với sự chuyển giao kỹ thuật của cán bộ khuyến nông đến từng đồng ruộng, hy vọng cuộc cách mạng cho cây mỳ trên đất trồng lúa thiếu tưới vụ đông xuân ở tỉnh sẽ thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đào Nguyên