“Cú hích” cho giải ngân vốn đầu tư công

18/09/2020 13:01

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc triển khai các giải pháp thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cần được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Với việc thành lập Tổ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, tỉnh Kon Tum thể hiện quyết tâm khơi thông "dòng chảy" vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm 2020.

Hồi đầu năm, tôi từng bị một lãnh đạo ngành “chiếu tướng” vì dám nói với anh rằng “trong năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công sẽ khá… ì ạch”.

Tất nhiên, để đưa ra dự báo ấy, tôi đã tham khảo những bài viết cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về tác động của vi rút Corona (khi ấy dịch bệnh Covid- 19 chưa được gọi tên) đối với nền kinh tế đất nước, trong đó có đầu tư công.

Nhưng đồng chí lãnh đạo ngành lại cho rằng, tôi đang “võ đoán” và “thiếu niềm tin”. Theo anh, với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, và nhất là vai trò đặc biệt quan trọng của vốn đầu tư công trong phát triển địa phương, sẽ không tái diễn tình trạng ì ạch trong giải ngân như tôi nói.

Hàng năm đều có những dự báo như vậy, nhưng cuối năm thì sao, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt gần 100% cả- anh dẫn chứng.

Cuối tháng 8, tôi bất ngờ nhận được email của anh. Trong mail anh xác nhận giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, đồng thời bày tỏ sự áy náy vì đã “khó chịu” khi tôi đưa ra ý kiến của mình về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, mà lẽ ra, với công việc của mình, anh nên kiên nhẫn lắng nghe.

“Đôi khi chấp nhận thực tế lại khó hơn người ta nghĩ. Nhưng khi chấp nhận được nó, thì chúng ta sẽ xác lập quyết tâm để vượt qua thực tế ấy”- anh viết.

Đặc biệt hơn, trong email anh đính kèm Quyết định số 638/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập Tổ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh Kon Tum.

Anh gọi đó là “cú hích” mạnh mẽ cho giải ngân đầu tư công. Tất nhiên tôi cũng cho là như vậy, bởi việc thành lập Tổ chỉ đạo vào thời điểm này cho thấy tính bức thiết của vấn đề. Và tôi tin rằng, bất cứ ai từng lo lắng về sự ì ạch trong giải ngân vốn đầu tư công đều có chung kỳ vọng Tổ chỉ đạo sẽ đem lại sức bứt phá mới cho lĩnh vực “mới mà cũ này”.

Vì sao việc thành lập Tổ chỉ đạo lại được hoan nghênh và kỳ vọng đến vậy?

Sẽ là dễ hiểu nếu như ta điểm qua một số nét cơ bản về “bức tranh” giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, tính đến đầu tháng 8/2020.

Vốn đầu tư công đang là động lực quan trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: H.L 

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 mới đạt 32,52% so với kế hoạch, tương ứng 1.225.454 tỷ đồng. Nếu tính riêng kế hoạch năm 2020 được Trung ương giao thì giải ngân được 1.209.495 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 41,92% so với kế hoạch giao.

Theo các chuyên gia, điều này có vẻ đi ngược với quy luật. Bởi vốn đầu tư công là một trong các đòn bẩy quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó phát triển kinh tế- xã hội, nên cần khai thác tối đa. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm lại diễn ra hàng năm, kéo dài từ nhiều năm nay.

Câu hỏi đặt ra là, đâu là nguyên nhân và giải pháp để gỡ bài toán về giải ngân vốn đầu tư công hiện nay?

Theo dõi các báo cáo của UBND tỉnh trong những năm gần đây có thể nhận ra, các nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đều đã được “nhận diện” khá đầy đủ và rõ ràng. Đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu; sự thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu; việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu; tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu cũng “kêu trời” vì niên độ ngân sách nhà nước là một năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc kế hoạch vốn. Việc lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch.

Còn phải kể đến những bất cập trong công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các sở, ngành, địa phương, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét, chưa thực sự vào cuộc; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Bên cạnh những nguyên nhân “cũ”, năm 2020 xuất hiện một yếu tố có tác động tiêu cực đến giải ngân vốn đầu tư công là dịch bệnh. Không thể phủ nhận rằng, Covid-19 đã làm cho tiến độ triển khai các dự án chậm chạp, thậm chí đình trệ, dẫn đến các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công bị “ách tắc”.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Ảnh: V.P 

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa, trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, phải coi thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng, là giải pháp then chốt để góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm 2020.

Để đạt được mục tiêu hoàn thành giải ngân hơn 60% vốn đầu tư công trong mấy tháng ngắn ngủi còn lại của năm 2020, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, xử lý điểm nghẽn để khơi thông “dòng chảy” vốn đầu tư công, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao.

Xem xét kế hoạch giải ngân và cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án. Trong tình hình hiện nay, các biện pháp mạnh đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ, như điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ dự án hay điều chuyển chủ đầu tư dự án… cũng nên được cân nhắc, sử dụng nếu cần thiết.

Quan trọng nhất là, các cấp, các ngành cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, từ đó phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án; đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vấn đề chuẩn bị dự án và trách nhiệm của người đứng đầu.

Và đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của Tổ chỉ đạo. Với “đội hình” mạnh, gồm  thủ trưởng các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, TN&MT, GTVT, NN&PTNT, Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực tiếp làm Tổ trưởng, tin tưởng rằng, dòng chảy vốn đầu tư công sẽ được khơi thông, để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Tổ chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo điều hành, phối hợp giữa các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra, tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ quy định. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Chủ tịch UBND tỉnh giao liên quan đến việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Định kỳ hàng tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu), báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Tổ chỉ đạo và kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Hồng Lam

Chuyên mục khác