17/07/2019 06:12
Góc nhìn từ Đăk Kôi
Mùa mưa, núi rừng xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) trầm mặc. Ngồi trong chốt quản lý bảo vệ rừng, A Tin- Tổ trưởng Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng thôn 3, xã Đăk Kôi khoe thật lòng: Kể từ khi Lâm trường Đăk Ruồng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy) giao khoán rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng, thu nhập người dân trong cộng đồng ngày càng được nâng lên. Cộng đồng ngày càng nêu cao ý thức bảo vệ rừng.
Không chỉ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy, cộng đồng và người dân nơi đây còn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, nhận đất nhận rừng theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh.
“Năm 2018, gia đình tôi thu nhập thêm 20 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng nhận khoán. Cũng nhờ vậy mà đời sống kinh tế của gia đình được cải thiện rõ rệt”-A Tin khoe.
Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình A Tin có điều kiện khai hoang thêm 1,5 sào ruộng nước, mua phân bón thâm canh lúa, mì, trồng bời lời... Tham gia giữ rừng và biết đầu tư mở rộng sản xuất, gia đình A Tin đã thoát nghèo.
Trao đổi thêm về việc nhận khoán, A Nhất- Tổ phó Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng thôn 2, xã Đăk Kôi phấn khởi: Từ nhiều năm nay, cộng đồng thôn nhận khoán rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy không để xảy ra mất rừng. Để quản lý bảo vệ tốt tài nguyên rừng, cộng đồng thay nhau trực chốt bảo vệ rừng và tuần tra bảo vệ rừng.
Giữ được rừng, cộng đồng không chỉ có tiền cải thiện đời sống mà còn bảo vệ nguồn nước sạch; hạn chế lũ lụt, chống xói mòn đất; khai thác lâm sản phụ như măng rừng... Năm 2018, gia đình tôi cũng như các hộ khác trong tổ được nhận gần 10 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng- A Nhất chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thành Đạt- Phó phòng Kế hoạch- Kỹ thuật- Quản lý bảo vệ rừng (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy), đơn vị giao khoán gần 8.000 ha rừng cho 5 cộng đồng (tương ứng hơn 200 hộ gia đình) ở xã Đăk Kôi quản lý, bảo vệ. Trong năm 2018, bình quân các hộ trong cộng đồng thu gần 10 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Thông qua công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng (thành lập 3 chốt cộng đồng và thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra, kiểm tra rừng), các cộng đồng bảo vệ tốt tài nguyên rừng, không để xảy ra mất rừng.
Ông A Vai - Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Kôi đánh giá cao việc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Theo ông, việc làm này đã có tác động tích cực đến đời sống người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương...
|
Tăng cường giao khoán gắn với kinh doanh rừng trồng
Không chỉ giao khoán rừng cho nhiều cộng đồng ở xã Đăk Kôi, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy còn giao khoán cho nhiều cộng đồng ở các địa phương khác. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Bẩy- Chủ tịch Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Rẫy cho biết: Công ty được tỉnh giao quản lý bảo vệ 29.108,18ha đất rừng, trong đó 27.152,7ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Để góp phần giúp người dân sống gần rừng nâng cao đời sống, năm 2018, Công ty giao khoán 14.124,17ha rừng cho 16 cộng đồng (tương ứng với 582 hộ hưởng lợi) ở các xã Đăk Kôi, Đăk Pne và Tân Lập theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Theo đó, từ nguồn thu cung ứng dịch vụ môi trường rừng, năm 2018, Công ty chi trả 5,75 tỷ đồng cho các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Tính ra, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận 9,87 triệu đồng/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cộng đồng (tương ứng 593 hộ) nhận khoán nhận 2,94 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi hộ nhận 4,9 triệu đồng.
Gắn quyền lợi với trách nhiệm, các cộng đồng ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Tài nguyên rừng ngày càng được bảo vệ có hiệu quả hơn trước.
Gắn quản lý bảo vệ với sản xuất và kinh doanh rừng trồng, Công ty hợp đồng với các đối tác khai thác 450ha thông trồng để lấy nhựa theo phương án khai thác rừng bền vững được duyệt. Từ việc thực hiện phương án này, Công ty thu hút và góp phần giải quyết việc làm thêm 40 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy hiệu quả từ chính sách, theo ông Lê Viết Bẩy, trong chiến lược phát triển, Công ty sẽ tập trung các lực lượng quản lý có hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có; chăm sóc tốt rừng trồng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản; khai thác bền vững rừng thông trồng theo phương án được duyệt; xây dựng xưởng chế biến gỗ rừng trồng đến kỳ khai thác theo quy định... để góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động ở địa phương.
Văn Nhiên