Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô: Xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh

25/08/2016 17:07

Qua nhiều năm thực hiện chủ trương của Nhà nước và của tỉnh trong việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang hướng đến xây dựng một thương hiệu mạnh để cho ra đời nhiều sản phẩm phục vụ việc bồi dưỡng sức khỏe và phòng chống bệnh tật người dân.

Không ai biết sâm Ngọc Linh có trong vùng núi Ngọc Linh từ khi nào, chỉ biết rằng từ bao đời nay, người dân ở các xã Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây (Tu Mơ Rông), Mường Hoong, Ngọc Linh (Đăk Glei)… sống ở vùng núi Ngọc Linh thường dùng củ, thân, lá sâm với cái tên là cây thuốc giấu để chữa rắn rết cắn, bồi dưỡng sức khỏe khi ốm đau bệnh tật hay cho phụ nữ uống khi “vượt cạn”...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ngay từ những năm 1952-1953, nhiều cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng núi Ngọc Linh cũng được đồng bào địa phương chỉ cho cây thuốc giấu mang theo lúc đi rừng như một “lá bùa hộ mệnh”.

Công nhân đang chăm sóc vườn sâm. Ảnh: V.N

 

Thấy được giá trị của cây thuốc giấu, năm 1973, Ban Dân y Khu 5 thành lập Đoàn điều tra dược liệu gồm 4 người do dược sĩ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang phụ trách phát hiện tại xã Tê Xăng, Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và công bố cây thuốc giấu người Xê Đăng thường dùng gọi là cây sâm đốt trúc và xác định tên khoa học là Panax Articulatusl, họ nhân sâm.

Đến năm 1985, hai nhà khoa học là TS. Hà Thị Dụng và TS. Grushvitsky xác định sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc chi Panax Articulatusl, họ nhân sâm (Araliaceae) và đặt tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha et Grushv (theo Trung tâm Sâm Việt Nam - 1993).

Việc phát hiện và xác định cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ bộ đội và nhân dân trong những năm chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi thống nhất đất nước, tỉnh Gia Lai-Kon Tum thành lập Trại Dược liệu Đăk Tô, Công ty Dược liệu Đăk Tô và sau năm 1990 chuyển cho Lâm trường Ngọc Linh, Trung tâm Sâm giống Ngọc Linh (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô) để tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn và phát triển.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cán bộ, nhân viên vườn sâm không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm bảo vệ và phát triển vườn sâm dưới tán rừng tự nhiên, không để chim chóc, thú rừng và người phá hoại. Đến nay, Trung tâm Sâm giống Ngọc Linh đã vượt qua giai đoạn bảo tồn, phát triển được 13ha sâm dưới tán rừng tự nhiên.

Kể từ khi phát hiện, công bố, bảo tồn và phát triển, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều nhà khoa học đánh giá cao giá trị sâm Ngọc Linh. Theo TS. Trần Công Luận, về mặt hóa học, thân rễ và củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin, trong đó, 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật và 26 saponin mới chỉ có trong sâm Ngọc Linh.

Ông Nguyễn Thành Chung-Giám đốc Công ty TNHHMTV Lâm Nghiệp Đăk Tô đang giới thiệu những quả sâm. Ảnh: V.N

 

Các kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cũng cho thấy, sâm Ngọc Linh có những đặc tính cơ bản gần giống sâm Triều Tiên, có tác dụng dược lý như bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chống stress tâm lý, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan... là loài cây có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, với 26 saponin dammaran mới, sâm Ngọc Linh còn có nhiều những tác dụng khác có tính đặc thù mà ngay cả sâm Triều Tiên cũng không có.

Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn chưa có sản phẩm sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng. Sau khi vườn sâm qua giai đoạn bảo tồn và trước yêu cầu của người dân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô được UBND tỉnh cho chủ trương kinh doanh và phát triển sâm Ngọc Linh.

Theo phương án sản xuất kinh doanh, hiện nay, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang tập trung nguồn lực trồng mới 32ha sâm giống, nâng cao chất lượng nguồn giống, đăng ký sở hữu nguồn giống, công bố nguồn giống và sản xuất kinh doanh giống theo quy chế quản lý hiện hành; xây dựng nhà máy và khai thác chế biến sâm giai đoạn đầu với quy mô nhỏ (4,87ha sâm trên 10 năm tuổi) từ nay đến năm 2023 và mở rộng quy mô lớn hơn sau năm 2023...

Dự kiến sau khi đấu nối hệ thống điện, Công ty sẽ lắp ráp nhà máy và đưa vào chế biến sâm vào cuối năm nay. Nhà máy chế biến của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô được đầu tư các thiết bị để sản xuất các sản phẩm như: viên ngậm, tinh sâm, trà sâm, sâm sấy khô…

Với việc đầu tư dựng nhà máy chế biến và việc mở rộng phát triển vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, Công ty góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng.

Trong chiến lược phát triển, Công ty đang hướng đến việc xây dựng một thương hiệu mạnh: sản xuất và chế biến nhiều loại sản phẩm phục vụ cho nhiều giới tiêu dùng để mọi người ai cũng có điều kiện thưởng thức và bồi bổ sức khỏe từ sâm Ngọc Linh.    

Thành Chung

Chuyên mục khác