Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam: Tác động từ chính sách dịch vụ môi trường rừng

05/12/2017 07:31

Nhờ có chính sách dịch vụ môi trường rừng và những nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng có hiệu quả

Mùa khô, gió gào trên các dải đồi. Rừng thông nguyên liệu giấy thường sớm khô khốc. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam không chỉ bảo vệ được rừng trồng mà còn từng bước tỉa thưa rừng trồng và sản xuất kinh doanh có hiệu quả.  

Trao đổi việc sản xuất và kinh doanh rừng trồng, ông Võ Đình Lợi-Phó giám đốc Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam cho biết, Công ty có 9.263 ha rừng trồng (9.032 ha thông và 231 ha keo). Không như rừng tự nhiên, rừng trồng Công ty như mảnh da báo xen kẽ với đất sản xuất nương rẫy của dân, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng thường gặp những  khó khăn nhất định. Mặc dù vậy, nhưng nhờ có chiến lược phát triển và nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, sản xuất có hiệu quả, phát huy đồng vốn nhà nước đầu tư.

Rừng nguyên liệu giấy của Công ty. Ảnh: V.N

 

Để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng (khoảng 3 tỷ đồng/năm) và nguồn vốn của Công ty, Công ty thực hiện chính sách giao khoán rừng trực tiếp cho người lao động ở các ban trồng rừng. Bình quân mỗi lao động nhận khoán trực tiếp từ 90-100 ha rừng trồng. Theo chính sách, người lao động trực tiếp quản lý bảo vệ, chăm sóc, xử lý thực bì và phòng cháy chữa cháy rừng...được hưởng từ nguồn vốn giao khoán. Nhờ chính sách này, người lao động tại Công ty có thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Có thu nhập ổn định, người lao động gắn bó với Công ty và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ rừng. 

Đến các khu rừng nguyên liệu giấy nằm dọc trên dải đồi Sạc Ly ở các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi hay các dải đồi xen với đất sản xuất của dân ở các xã Đăk Sao, Đăk Na (Tu Mơ Rông), Đăk Long, Đăk Ngọk (Đăk Hà)…, tôi thấy rừng trồng nguyên liệu giấy sinh trưởng tốt, ít thấy có dấu hiệu bị xâm hại.

Cũng theo ông Lợi, trong nhiều năm gần đây, nhất là khi rừng trồng được tỉa thưa và nhờ có chính sách dịch vụ môi trường rừng, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty luôn có lãi và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Cụ thể như: Năm 2016, Công ty nộp ngân sách nhà nước hơn 3 tỷ đồng và lãi gần 2 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm năm nay, nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ dồng và lãi trên 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối năm 2016, rừng trồng Công ty được tổ chức GFA cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Việc rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững góp phần nâng cao giá trị rừng, tạo ra những ưu thế mới cho Công ty phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh gỗ rừng trồng.   

Gỗ thông đang được Nhà máy lang thành từng tấm ván. Ảnh: V.N

 

Nói như vậy, không có nghĩa rằng Công ty không có những khó khăn và tồn tại. Đó là mặc dù việc sản xuất và kinh doanh có nhiều chuyển biến, nhưng hiện nay, Công ty chưa vay được vốn để bổ sung cho nguồn vốn quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng cho mùa khô ở diện tích rừng trên 15 năm tuổi. Tình hình ken cây, chặt phá, đổ thuốc trừ sâu cho cây chết vẫn còn xảy ra ở một vài nơi.

Trước những yêu cầu đặt ra, Công ty đề nghị Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam trình Chính phủ có cơ chế cho vay đầu tư công tác quản lý bảo vệ rừng khi kéo dài chu kỳ kinh doanh cây thông từ 15 năm lên 25 năm; các ngành, các cấp chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm phối hợp với đơn vị kịp thời xử lý nghiêm các đối tượng ken cây để răn đe các đối tượng không tiếp tục gây thiệt hại rừng…

Khi các vướng mắc này được tháo gỡ và cùng với việc tiếp tục phát huy nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng, việc sản xuất kinh doanh của Công ty sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.

                                                                         Văn Nhiên

Chuyên mục khác