Công ty Lâm nghiệp Kon Plông: Hiệu quả từ chính sách dịch vụ môi trường rừng

21/08/2019 13:01

Hàng năm, từ nguồn thu cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Kon Plông) tăng cường khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng dân cư và nhóm hộ sống gần rừng. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; người dân có thêm thu nhập và cải thiện đời sống chính từ việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng, ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư được nâng cao.

Hiệu quả từ Măng Cành

Nghỉ chân sau quãng đường dài tuần tra rừng cùng cán bộ Chi nhánh Lâm trường Măng Cành 1 (Công ty Lâm nghiệp Kon Plông), ông A Nuông ở làng Kon Chênh (xã Măng Cành) lấy vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên mặt rồi uống vài ngụm nước từ chiếc bi đông mang theo. Dù đã 63 tuổi, nhưng ông A Nuông đi rừng rất khoẻ. Ông cho biết, từ khi được nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty Lâm nghiệp Kon Plông, mỗi tháng, ông đi rừng vài lần, đi nhiều thành quen, nhờ đó mà sức khoẻ của ông cũng được nâng lên. Ông A Nuông cũng chia sẻ, nhận khoán bảo vệ rừng cho công ty, mỗi năm gia đình ông được nhận hơn 8 triệu đồng. Từ số tiền này, ông dùng một phần để trang trải cuộc sống gia đình, số còn lại để mua con giống, cây giống về nuôi trồng, đầu tư mở rộng sản xuất.

“Được tham gia giữ rừng, tôi và các hộ dân khác không chỉ có thêm thu nhập mà còn được hiểu rõ lợi ích của rừng mang lại. Giữ rừng sẽ giữ được đất đai, nguồn nước và mùa màng”- ông A Nuông bộc bạch với tôi.

Tích cực trong việc giữ rừng, năm 2018, ông A Nuông được các hộ dân bầu làm nhóm trưởng nhóm nhận khoán bảo vệ rừng của làng Kon Chênh. Thêm công việc và trách nhiệm, ông tích cực tuyên truyền cho các hộ dân trong làng về lợi ích mang lại cho cộng đồng và mỗi gia đình khi tham gia bảo vệ rừng. Vì vậy, mỗi năm số hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại làng Kon Chênh đều tăng, đến nay, đã có 74/85 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Công ty Lâm nghiệp Kon Plông.

Các hộ dân ở làng Kon Chênh tuần tra bảo vệ rừng cùng cán bộ Chi nhánh Lâm trường Măng Cành 1. Ảnh: ĐT

 

Ông A Lễ, (làng Kon Chênh) chia sẻ, mỗi tháng, ông cùng bà con đi tuần tra rừng 2, 3 lần. Bên cạnh việc tự tổ chức đi tuần tra, mọi người còn phối hợp đi tuần tra với cán bộ của Chi nhánh Lâm trường Măng Cành 1. Giữ rừng có thêm thu nhập, lại được khai thác lâm sản phụ như nấm, măng… nên ai cũng phấn khởi.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Măng Cành 1 cho hay, diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên Lâm trường đang quản lý là 8.945,63ha nằm ở 2 xã Đăk Long và Măng Cành, trong đó, giao khoán 5.002,21ha cho 6 cộng đồng dân cư, 5 nhóm hộ và Công ty Dược liệu Măng Đen theo chính sách dịch vụ môi trường rừng.

“Từ khi được nhận giao khoán, ý thức bảo vệ rừng, gắn bó với rừng của người dân các địa phương có rừng được nâng cao; tình trạng phá rừng, đốt rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép không còn xảy ra”, ông Thanh nói.

Đẩy mạnh giao khoán rừng

Công ty Lâm nghiệp Kon Plông hiện đang quản lý 55.403,57ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 7 xã thuộc huyện Kon Plông, trong đó, rừng và đất rừng quy hoạch chức năng phòng hộ 6.520,16ha, rừng và đất rừng quy hoạch chức năng sản xuất 48.883,4ha.

Công ty hiện đang giao khoán 28.844,66ha rừng cho 56 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức thuộc các xã Đăk Long, Hiếu, Măng Cành, Măng Bút, Đăk Ring bảo vệ. Trong đó, giao khoán 21.749,43ha diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng cho 46 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức (với 2.006 hộ gia đình); giao khoán 7.095,23ha rừng được hỗ trợ kinh phí bảo vệ theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho 10 cộng đồng dân cư (với 642 hộ gia đình). Tổng số tiền đã chi trả cho các cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán trong năm 2018 trên 18 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là hơn 5,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kon Plông đánh giá, trên cơ sở các nguồn thu, đơn vị đẩy mạnh khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư trên địa bàn; qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đồng thời cải thiện môi trường sống, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập, xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

“Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến tới từng hộ dân để chính sách dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hiệu quả hơn nữa”, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định. 

Đức Thành

Chuyên mục khác