27/01/2018 07:24
Theo thời vụ, cứ đến giữa tháng 11 hàng năm, người trồng mía đã thu để bán cho Công ty CP Đường Kon Tum. Năm nay, gần đến tháng 2/2018, người dân vẫn nhấp nhổm lo sợ nhìn mía trổ cờ trắng đồng.
Dẫn chúng tôi ra rẫy mía đã trổ cờ, xốp ruột, anh Nguyễn Xuân Thành ở thôn Kơ Nâm 2, xã Đăk Rơ Wa không khỏi xót xa.
|
Anh Thành có hơn 9ha mía (2ha tại thôn Kơ Nâm 2, xã Đăk Rơ Wa và hơn 7ha ở phường Thống Nhất). Để nhập mía cho Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, ngày 17/1/2018 anh đã kêu công, chặt đám mía ở xã Đăk Rơ Wa. Tuy nhiên, vào ngày 18/1/2018, sau khi nhập được 6 tấn mía đầu tiên, từ phía Công ty cho biết có trục trặc về máy móc, không thể tiếp tục nhập mía, khoảng 18 tấn mía chưa kịp vận chuyển, anh Thành đành vứt ngổn ngang trên rẫy. “Phải đến ngày 22/1, Công ty mới tiếp tục thu mua, nhưng vẫn rất chậm. Dưới thời tiết nắng nóng và hanh khô như hiện tại, cứ 1 ngày số lượng mía này sẽ hao hụt từ 700 đến 900kg” – anh Thành cho biết.
Với đà thu mua hiện nay, anh Thành xác định phải qua tết nhà anh mới bán hết các đám mía. “Chắc chắn trọng lượng mía sẽ giảm rất nhiều, nhưng lo nhất vẫn là nguy cơ cháy mía. Cả tháng nay tôi cứ phải chạy tới chạy lui kiểm tra thường xuyên. Bà con chúng tôi mong muốn được nhập mía sớm, có tiền để tiêu tết. Nhưng tình hình này, chắc phải ăn tết ngoài rẫy mía rồi” – anh Thành nói.
Cũng như anh Thành, 2 tháng nay, anh Nguyễn Thái Văn ở tổ 4, phường Nguyễn Trãi cũng thấp thỏm lo âu khi hơn 12ha mía của cả gia đình vẫn dong cờ phơi nắng. “Đến nay, gia đình tôi mới bán được 1ha, còn 11ha vẫn chưa được thu mua. Năm ngoái dù thu mua sớm nhưng đám mía của gia đình tôi cũng bị cháy (may mắn dập kịp). Với tình hình này, phải ra tết mới bán hết được, thực sự cả nhà như “ngồi trên đống lửa”, nếu cháy là trắng tay” – anh Văn chia sẻ.
Cách đây 1 tuần, gia đình anh Văn phải thuê 12 nhân công từ Phú Yên lên chặt mía. Tuy nhiên, vì nhà máy chậm thu mua nên nhân công chỉ chặt cầm chừng, mỗi ngày tầm 12-13 tấn. “Cứ đến 20/12 âm lịch nhân công lại về Phú Yên. Ra tết, gia đình cũng chưa biết thuê nhân công ở đâu để chặt mía. Việc thu mua chậm như thế này, thực sự gây nhiều khó khăn, lo lắng cho bà con” – anh Văn bày tỏ.
Có 2ha mía nhưng cả tháng nay, ông Nguyễn Tấn Bửu, tổ 4, phường Nguyễn Trãi cũng mất ăn mất ngủ. Ông Bửu rầu rĩ: “Mía chưa bán được, tết nay không biết lấy gì mà sắm sửa”. Không chỉ “bí” tiền lo tết, dù bận bịu nhưng mỗi ngày, ông Bửu phải dành nhiều thời gian đi thăm rẫy, canh chống cháy và giữ, không cho các hộ dân đi lấy đọt mía, giẫm gãy và làm khô mía.
Ông Bửu cho biết, vì đám mía của ông nằm vị trí giữa (mía các hộ dân khác bao quanh), diện tích mía lại ít nên lệ thuộc rất nhiều. “Thông thường các chủ mía khác chặt xong, tôi mới thuê lại nhân công của họ, rồi nhờ xe của Công ty chở mía. Nay, Công ty chậm thu mua, các chủ mía lớn chưa chặt được, tôi phải chấp nhận đợi. Tôi chỉ mong phía công ty thu mua nhanh, bố trí xe chở cho các hộ trồng mía nhỏ lẻ để chúng tôi đỡ lo lắng” – ông Bửu bộc bạch.
Xót xa nhìn mía xốp ruột, mất ăn mất ngủ canh mía khỏi bị cháy, người trồng mía còn thấp thỏm lo âu cho vụ mía sắp tới. Anh Văn nói rằng, thông thường, sau khi chặt mía, người dân sẽ đốt gốc để chuẩn bị cho vụ mới. Nhưng theo dự kiến, năm nay, phải ra tết nhà anh mới chặt và bán hết mía, trễ vụ, rất khó để trồng lại. “Sắp tới gia đình tôi dự định chuyển một số diện tích sang trồng mì” – anh Văn cho biết.
|
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Cơ – Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trãi bày tỏ niềm lo lắng cho bà con trồng mía trong phường. “Thời tiết hanh khô, mía rất dễ cháy trên diện rộng nên chúng tôi rất lo lắng. Việc thu mua chậm như hiện nay còn ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ sau của bà con, có thể phường sẽ không đạt kế hoạch được giao” – ông Cơ cho hay.
Trước tình hình trên, nhiều hộ dân bức xúc cho biết, trong thời gian đến sẽ chuyển diện tích trồng mía sang trồng mì. “Gần 40 năm gắn bó với cây mía nhưng với đà này, sắp tới tôi sẽ chuyển sang trồng mì. Trồng mì đỡ lo lắng hơn, nhiều công ty, nhiều người thu mua, hợp giá thì mình bán, còn trồng mía, lệ thuộc vào 1 công ty nên rất khó” – ông Bửu cho biết.
Với những bức xúc của bà con, phóng viên đã liên hệ với Công ty Cổ phần Đường KonTum để tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, hiện tại, Tổng giám đốc Công ty hiện đang bận công tác nên sẽ trả lời với phóng viên và bà con sau.
Bình An