07/09/2018 13:10
Cơ hội lớn
Tham gia hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt - nguyên Viện phó Viện Dược liệu đánh giá đây là việc làm đúng lúc và cần thiết của tỉnh Kon Tum. Lâu nay, địa phương có nhiều nỗ lực trong thực thi các chính sách bảo tồn, nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu khác, tuy nhiên vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vậy nên, hội nghị này có sức hút khá lớn.
“Người ta sẽ không dám đầu tư công sức, tiền bạc vào nghiên cứu, bảo tồn gen quý, gen gốc hay đầu tư, phát triển dược liệu nếu như không biết rõ những chủ trương, chính sách của tỉnh, nên với việc tổ chức hội nghị này, Kon Tum đã làm được điều đó, nghĩa là giới thiệu được và có sự cam kết về những chính sách cụ thể” - Tiến sĩ Hoạt nói.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành hàng loạt chính sách nhằm thu hút đầu tư cho việc bảo tồn, phát triển dược liệu; quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất; thúc đẩy chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư, phát triển dược liệu với tổng số vốn 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.890ha.
Ông Nguyễn Đình Bắc - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Công tác thu hút đầu tư ngành dược liệu bước đầu đã đạt kết quả khả quan, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã kêu gọi được một số dự án có chất lượng, tạo động lực phát triển bền vững về kinh tế cũng như trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
|
Cũng theo ông Nguyễn Đình Bắc, Hội nghị “Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác” thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, doanh nghiệp; trong đó đáng chú ý là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh cũng như những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Với cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Trung ương cũng như của tỉnh, tin rằng trong thời gian tới sẽ có làn sóng tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành dược liệu.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Kon Tum đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 6 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 1.511 tỷ đồng; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 4 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc; trao chủ trương khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư của 2 dự án trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu khác với tổng vốn đầu tư là 10.500 tỷ đồng trên tổng diện tích dự kiến 5.155ha.
Thách thức
Khách quan mà nói, chúng ta vẫn chưa thực sự tạo nên ngành "kinh tế dược liệu", công nghiệp chế biến dược liệu chưa phát triển trong khi nguồn dược liệu tự nhiên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt; thu hút có bước tiến nhưng chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu... Vì vậy, để hiện thực hóa ước mơ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của cả nước trong tương lai chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức.
Một trong những thách thức lớn cần phải giải quyết là việc phát triển vùng trồng dược liệu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm thực sự nổi bật, chưa có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, đây chính là hạn chế lớn, hay đúng hơn là "điểm trừ" trong mắt nhà đầu tư.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống còn rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Quá trình trồng, chăm sóc, chế biến sau thu hoạch ít có sự tham gia của các nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân.
Bên cạnh đó, việc khai thác chưa hợp lý, công tác bảo vệ tài nguyên dược liệu chưa được quan tâm đúng mức.
Tình trạng khai thác tràn lan, tận diệt dược liệu trong tự nhiên còn phổ biến, trong khi công tác đầu tư bảo tồn, tái tạo và phát triển sản xuất chưa được quan tâm chú trọng; sự phối hợp trong công tác nghiên cứu, phát triển cây dược liệu còn mờ nhạt dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng; một số loài cây thuốc quý bị suy giảm nhanh.
Một vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn nữa là, dù đã có quy hoạch vùng dược liệu, nhưng tỉnh Kon Tum chưa có quy hoạch tiểu vùng trồng chi tiết cho từng loài dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, điện...) tại các vùng dược liệu tập trung chưa được đầu tư tương xứng... "Những yếu tố này có thể sẽ tác động không nhỏ tới nhà đầu tư trong việc quyết định có thực hiện dự án hay không"- một chủ doanh nghiệp cho hay.
Như vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên dược liệu, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội không phải là chuyện đơn giản và có thể làm trong một sớm một chiều.
Tại Hội nghị "Đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác", các nhà khoa học, nhà đầu tư khuyến cáo tỉnh Kon Tum cần chủ động triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển dược liệu phù hợp với từng tiểu vùng; trong đó chú trọng bảo vệ nguồn gen và thương hiệu, nhất là với sâm Ngọc Linh, chỉ trồng tại các vùng đã có chỉ dẫn địa lý.
Cần định hướng phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, gắn kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà đầu tư - nhà băng -nhà phân phối); tăng cường áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển dược liệu (vốn, giống, quỹ đất, đổi mới trong giải quyết thủ tục đầu tư...), trước mắt nên ưu tiên hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang phát triển dược liệu ở địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; hình thành, nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất dược liệu...
Thành Hưng