15/05/2024 13:44
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Trong quá trình phát triển, nhiều điểm nghẽn trong phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, phát triển của Vùng trong thời gian vừa qua còn hạn chế: Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp.
Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào DTTS chậm được giải quyết.
Rừng tự nhiên suy giảm về diện tích và chất lượng; nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, nên khô hạn diễn biến thất thường.
Nhiều di sản văn hóa các DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chưa được chú trọng.
Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước.
Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ. Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
|
Là 1 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên, Kon Tum nằm ở vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh ở ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây, Núi - Biển.
Trong nhiều năm qua, kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên. Riêng năm 2023 tăng trưởng đạt mức 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 58,42 triệu đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm thực hiện. Các chính sách giảm nghèo được thực thi hiệu quả, qua đó, đã giải quyết hoàn toàn hộ đói từ năm 2005; đến năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,84%.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Đặc biệt, mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Mạng lưới đô thị có sự phát triển mạnh mẽ. Tháng 1/2023, thành phố Kon Tum được công nhận đô thị loại II.
Cải cách thủ tục hành chính được chú trọng; công tác thu hút đầu tư được tăng cường, tính chủ động ngày càng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Với bước tiến vững chắc, Kon Tum ngày càng đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và cả nước.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tỉnh ta nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển lớn; chủ yếu kết nối với khu vực bằng các tuyến đường bộ với thời gian dài, chưa có mạng lưới đường cao tốc và đường sắt.
Bên cạnh đó, trình độ phát triển kinh tế thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực thấp so với bình quân chung cả nước.
Tài nguyên rừng, đất, nước suy thoái nhanh, nhất là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Giáo dục, đào tạo, y tế vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về chất lượng.
Vì vậy, có thể nói Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024 đem lại cơ hội mới, vận hội mới cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.
Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời đưa ra định hướng toàn diện cho phát triển Vùng Tây Nguyên.
|
Theo các chuyên gia, Quy hoạch vùng Tây Nguyên mới được phê duyệt đã giải quyết khoa học và cụ thể các vấn đề trọng tâm. Bao gồm hoàn thiện hạ tầng kết nối giữa các tỉnh trong vùng và kết nối ngoài vùng; cơ chế quản lý khai thác tài nguyên, phối hợp liên ngành.
Mô hình và phương án tổ chức không gian phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện phúc lợi xã hội.
Vấn đề đặt ra là trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tỉnh cần bám sát định hướng phát triển trong Quy hoạch vùng Tây Nguyên.
Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng công nghệ cao.
Tập trung phát triển cây trồng chủ lực (cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, sâm Ngọc Linh) gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu; liên kết chuỗi giá trị sản phẩm giữa các địa phương.
Tuân thủ nguyên tắc phát triển dựa trên kinh tế xanh; bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS tại chỗ; ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp chế biến, kinh tế rừng, năng lượng tái tạo.
Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Bảo vệ, duy trì hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học; đảm bảo an ninh nguồn nước.
Hồng Lam