Cơ hội cho cây mắc ca bén rễ trên vùng đất Kon Tum

18/09/2017 13:30

Ngày 31/8/2017, Sở NN&PTNT tổ chức họp báo, thông tin về kết quả chuyển đổi một số diện tích rừng thông trồng tại huyện Kon Plông sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cây mắc ca. Chủ trương chuyển đổi trên của tỉnh đã tạo cơ hội cho cây mắc ca bén rễ và phát triển quy mô trên vùng đất cao nguyên này.

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 84ha cây mắc ca, trong đó, diện tích trồng thuần 15,6ha, trồng xen 67,8ha, trồng phân tán trong vườn nhà 1ha... Huyện có diện tích trồng lớn nhất là Đăk Glei, với diện tích 60ha, tiếp đến là Ngọc Hồi 9ha, Đăk Tô 8,9 ha…

Việc trồng cây mắc ca ở một số địa phương trong tỉnh theo các phương thức khác nhau, như thông qua nguồn hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu; liên kết doanh nghiệp với nông dân; mô hình khuyến nông và nông dân tự đầu tư.

Cây mắc ca được trồng trong vườn nhà ông Nguyễn Phước Nhân ở thành phố Kon Tum. Ảnh: L.S

 

Nhìn chung, các mô hình mắc ca đã trồng trên địa bàn thời gian qua chỉ là tự phát, chưa đánh giá và tìm ra các biện pháp canh tác thích hợp, nên cây sinh trưởng, phát triển trung bình. Vườn cây của ông Trần Xuân Vịnh, thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, trồng 17 cây từ năm 2007, sau 3-4 năm đã cho quả bói. Năm 2016 nhiều cây đã cho quả, đạt hơn 10kg/cây.

Mô hình của bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ (chủ Dự án Rau, hoa quả xứ lạnh) tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, trồng 1,6ha vào năm 2010, giống mua của Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Năm 2015 đã cho quả bói ban đầu đạt khoảng 1kg/cây…

Trong các vườn cây mắc ca đã trồng trên địa bàn có 6 loại giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận như: Daddow, H2, 695, 842, 800 OC; còn lại các loại giống khác chưa xác định do người dân tự phát mua về trồng.

Ông Đinh Công Ngữ ở thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi trồng 50 cây ghép mắc ca từ năm 2012, nhưng phát triển kém. Ông nhận định giống là quan trọng; nhiều người thân của ông ở Đăk Lăk trồng giống mắc ca chuẩn xen trong các vườn cà phê vối mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận từ mắc ca hơn 18% so với cà phê. Như vậy, cây mắc ca cũng thật sự “quyến rũ”.

Qua hơn 10 năm nghiên cứu (2005-2015), thực nghiệm từ các mô hình, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã khẳng định, việc trồng xen cây mắc ca trong các vườn cà phê vối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê.

Do vậy, Viện này đang khuyến khích các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên nhân rộng các mô hình trồng xen cây mắc ca trong các vườn cà phê vối, để không những mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích, mà còn có tác dụng phòng hộ cho vườn cà phê; đồng thời, giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, tái cân bằng tự nhiên, điều tiết và ổn định năng suất cà phê.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên có độ cao so với mặt nước biển từ 450m trở lên, có nền nhiệt độ lạnh vào khoảng tháng 12, tháng 1 dương lịch, rất phù hợp với cây mắc ca. Bên cạnh đó, thời điểm hoa mắc ca nở rộ vào tháng 2, tháng 3 ở Tây Nguyên không có mưa, không có sương giá nên có ưu thế hơn hẳn so với nhiều địa phương khác.

Hiện nay, nhu cầu phát triển cây mắc ca trồng xen làm cây che bóng cà phê đang phát triển. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có các mô hình thử nghiệm đầy đủ về mật độ, chế độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại để áp dụng đồng bộ. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo tiếp tục tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn các dòng vô tính phù hợp tại các tiểu vùng khí hậu để phục vụ công tác quy hoạch; không cho phép trồng các giống chưa được Bộ NN&PTNT công nhận; nghiêm cấm trồng cây thực sinh; không mua cây giống tại những điểm bán trôi nổi, để rồi người trồng rơi vào cảnh trắng tay...

Đã có 5 nhà đầu tư đến đặt vấn đề phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đăng Vinh (200ha), Công ty CP Him Lam Thủ đô (3.000ha), Công ty CPĐT&XD Công trình 557 (2.400ha), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Măng Đen (50ha), Công ty TNHH MTV Là Yêu Việt (500ha). Đến nay tỉnh đã cho chủ trương 1 nhà đầu tư và đang cân nhắc đối với các nhà đầu tư khác.

                                                                                  Dương Lê

Chuyên mục khác