29/03/2019 06:13
Trao đổi với phóng viên về tác động của vốn chính sách đối với người dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, ông Lê Danh Thứ - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh chính sách cho vay nhằm tăng hạn mức vay chương trình cho vay hộ nghèo, nhưng trong bối cảnh chi phí đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay có nhiều thay đổi, nhiều cây trồng cần phải đầu tư lớn như cây cao su, cây cà phê…, thì mức vay tối đa 50 triệu đồng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình nghèo. Việc tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó là một yêu cầu do thực tiễn đặt ra. Vì vậy, để giúp người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và “không ai bị bỏ lại phía sau” theo mục tiêu xây dựng chính phủ kiến tạo mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQĐ nâng hạn mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ và kéo dài thời hạn cho vay.
Tính đến cuối tháng 3/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum đạt trên 2.454 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 3,69% so với đầu năm, có 63.460 hộ hộ nghèo còn dư nợ. Cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22.851 hộ, chiếm tỷ lệ 17,29%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,58%/năm (từ 26,11% đầu năm 2016 xuống còn 17,29% cuối năm 2018).
|
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, không ít lần cử tri trong tỉnh kiến nghị tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thời hạn cho vay phù hợp đối với các chương trình, đồng thời gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo trên địa bàn, giúp bà con thực sự xóa đói giảm nghèo, thay đổi cuộc sống gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt làng xã.
Tín dụng chính sách xã hội đang là một bộ phận cấu thành quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Đối tượng của chính sách ưu đãi tín dụng là những hộ nghèo nhóm đối tượng yếu thế của xã hội cần được trợ giúp. Chính sách đã thể hiện được quyền được bảo đảm về an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là những người dân nghèo cần được trợ giúp an sinh xã hội để vươn lên thoát nghèo đảm bảo cuộc sống. Điều quan trọng trong hành trình giảm nghèo là hộ nghèo cần thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống. Về phía các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Dương Lê