Cơ giới hóa nông nghiệp - còn lắm gian nan

23/04/2023 06:04

Thực hiện cơ giới hóa là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo đầu tư hỗ trợ máy móc, thiết bị cho người dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tiết giảm chi phí và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh số lượng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, đa dạng và phong phú. Người dân ở các địa phương từng bước tiếp cận với máy móc, thiết bị công nghiệp như máy cày tay, máy cắt lúa cải tiến, máy cắt cỏ. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp mang lại hiệu quả, tiết kiệm kinh phí và sức lao động cho nông dân.

Việc đưa máy móc vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Ảnh: T.H

 

Ngoài ra, để hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ nguồn kinh phí khuyến công do Trung ương và tỉnh hỗ trợ, Sở Công thương tiến hành triển khai xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp chế biến cho cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, đảm bảo cung cấp ra thị trường tiêu thụ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương của tỉnh còn khá thấp, chưa phát triển đồng bộ và toàn diện. Việc ứng dụng cơ giới hóa hầu như mới được thực hiện ở khâu làm đất và thu hoạch, chưa mở rộng ra các khâu chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Chẳng hạn tại huyện Đăk Hà, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng thực tế, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hầu như chỉ phổ biến ở khâu làm đất, bơm nước và vận chuyển, còn các khâu khác việc ứng dụng cơ giới vẫn còn thấp. Các loại máy cơ giới chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất một số cây trồng chính như cà phê, cao su và lúa. Ước tính, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất và bơm nước trên địa bàn huyện Đăk Hà đạt 100%, vận chuyển đạt khoảng 98%, nhưng gieo cấy chỉ đạt khoảng 45%; chăm sóc (phun thuốc, làm cỏ), thu hái cà phê phổ biến vẫn theo phương thức thủ công.

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới ở khâu làm đất và thu hoạch. Ảnh: TH

 

Một trong những rào cản khi thực hiện ứng dụng cơ giới hóa chính là vùng sản xuất nhỏ lẻ, “nhiều bờ, nhiều thửa”. Mặc dù, trong những năm qua, tỉnh ta nỗ lực triển khai dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng “cánh đồng lớn” với 394ha đất canh tác đã được dồn đổi để xây dựng “cánh đồng lớn” nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; nhưng trên thực tế vẫn chưa hình thành vùng đất liên hoàn, thửa lớn nên khó đưa máy móc vào sản xuất.

Chẳng hạn tại xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy), địa phương đã vận động nhân dân xây dựng “cánh đồng lớn” sản xuất lúa với gần 100ha. Từ khi xây dựng “cánh đồng lớn”, người dân khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm” và áp dụng canh tác theo định hướng “4 cùng” (cùng sử dụng một loại giống, cùng xuống giống, cùng thu hoạch và cùng kỹ thuật), góp phần nâng cao năng suất và sản lượng. Tuy nhiên, lợi thế của “cánh đồng lớn” là đưa máy móc vào sản xuất thì lại chưa được phát huy triệt để, vì địa hình không bằng phẳng, hầu hết các mảnh ruộng đều là ô, thửa nhỏ.

Ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh, địa hình không bằng phẳng, đồng ruộng manh mún, tập quán canh tác, điều kiện kinh tế và trình độ sản xuất của người dân còn thấp, nên khả năng đưa các trang thiết bị máy móc kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp rất hạn chế.

Việc đầu tư công nghệ, ứng dụng cơ giới vào khâu bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Hiện tại, đối với sản phẩm lương thực, cà phê phần lớn vẫn áp dụng các biện pháp thủ công truyền thống, cơ khí nhỏ, hiệu quả thấp; quá trình bảo quản sản phẩm vẫn xảy ra tổn thất cả về số lượng, chất lượng. Đối với sản phẩm rau, củ quả, mới chỉ có một vài cơ sở có thiết bị bảo quản củ, quả tươi với quy mô nhỏ để cung cấp cho thị trường nội địa và một số loại quả xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.     

Cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến là “chìa khóa” để nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông ghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi mở rộng và nâng hiệu quả cơ giới hóa nông nghiệp. Hy vọng, trong thời gian tới, các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp hiệu quả, quyết liệt để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.      

Thiên Hương

Chuyên mục khác