23/06/2017 18:05
Hồ thuỷ lợi Đăk Hniêng không chỉ cung cấp nguồn nước tưới cho hàng trăm cây trồng trên địa bàn xã Bờ Y và các xã lân cận, mà với người dân các làng sống ven hồ, Đăk Hniêng còn cho nguồn lợi thuỷ sản quan trọng. Mặc dù hoạt động đánh bắt cá ở đây không nhộn nhịp, không sôi động như ở những khu vực có lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi lớn, nhưng nó lại có những nét rất riêng biệt. Người dân chỉ coi đây là công việc phụ nhưng ai cũng rất có ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước, nguồn thuỷ sản để khai thác bền vững.
Làng Đăk Răng ở gần hồ Đăk Hniêng nhất và cũng có nhiều người dân gắn bó với việc đánh bắt thuỷ sản trên lòng hồ nhất ở xã Bờ Y. Trong đó, Thao Nhui được mệnh danh là một ngư phủ bởi ông là người đánh cá giỏi nhất làng và gắn bó với nghề này sớm nhất, dài nhất. Ông coi hồ nước, coi công việc này như hơi thở và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
|
Thao Nhui kể: Tôi nghiền đánh cá như người ta nghiền thuốc tẩu vậy, một ngày không ra hồ ít nhất 1 lần là chân tay ngứa ngáy, trong người thấy bứt rứt lắm. Đánh cá không chỉ giúp gia đình tôi có thức ăn mà tôi còn kiếm thêm được thu nhập từ công việc này, hơn thế nữa nó còn mang lại niềm vui được thả hồn trên dòng nước mênh mang. Mỗi ngày, cứ chiều chiều đi làm về tôi lại chèo thuyền hoặc bè ra giữa hồ thả lưới, ngắm trời ngắm nước chán rồi về; sáng sớm ra nhấc lưới, hôm ít cũng đủ cho cả nhà ăn trong ngày, hôm nào trúng được nhiều cá hoặc cá to tôi cũng kiếm được 100.000 – 200.000 đồng mà không vất vả gì. Chưa hết đâu, đánh cá còn giúp cho tôi có thêm nhiều bằng hữu ở các làng bên như Ngọc Hải, Iệc...
Theo lời Thao Nhui, ông là người đánh cá lâu năm trong làng nhưng không coi đây là việc chính; còn đánh bắt chuyên nghiệp hơn, thu nhập cao hơn phải nói đến gia đình ông Phạm Văn Long. Vừa giới thiệu, Thao Nhui vừa dẫn chúng tôi đến nhà ông Long để tìm hiểu cụ thể. Ông Long cho biết, ông đã đầu tư mua lưới, vó, chài; sắm thuyền để chèo ra giữa hồ đánh cá. Bình quân mỗi ngày ông kiếm được 5 – 7kg cá các loại, có hôm may mắn được tới 10 – 15kg, với mức giá bán từ 40.000 – 60.000 đồng/kg (tuỳ loại) đã giúp gia đình ông có thêm nguồn thu tương đối khá. Khi chúng tôi tới nhà khoảng gần trưa, ông Long khoe vợ ông vừa mới bán hết mẻ cá ông mang về lúc sáng. Ở đây việc bán cá khá dễ dàng vì là cá tự nhiên sạch, tươi nên không chỉ có dân trong vùng mới mua mà nhiều khách vãng lai đi qua thấy cá ngon cũng ghé lại mua, giá bán cũng khá dễ chịu, kể cả khách hàng có mua lại từ những tiểu thương thì họ cũng chỉ lấy chênh lệch 5.000 – 7.000 đồng/kg bởi người dân chủ yếu là lấy công làm lời.
Với đa phần người đánh cá ở Bờ Y, đánh cá ở lòng hồ Đăk Hniêng giúp họ có thức ăn cải thiện bữa cơm gia đình và kiếm thêm được đồng ra đồng vào để mua mắm muối và các loại thức ăn khác. Mỗi người có một cách đánh cá khác nhau, người thả lưới, người dùng cần câu, người kéo vó... tất cả đều vui vẻ cùng nhau chia sẻ nguồn thuỷ sản tự nhiên này. Với người dân trong vùng thì rúc rảnh rỗi hoặc gia đình nào thỉnh thoảng muốn cải thiện thức ăn, họ mượn nhau vài tay lưới đem ra hồ thả.
Theo những người đánh cá, nước ở hồ Đăk Hniêng luôn dồi dào, sạch, do đó cá chưa bao giờ bị bệnh. Hơn nữa, lòng hồ có phù du sinh vật phong phú, quanh bờ có nhiều thức ăn xanh nên cá lớn nhanh. Hồ Đăk Hniêng tuy không rộng nhưng nguồn lợi thuỷ sản cũng khá phong phú, cá ở hồ chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá mè, rô phi, thác lác, tôm, tép... giúp dân nơi đây có nguồn thức ăn tươi để dành khai thác quanh năm.
Để việc khai thác được bền vững, người dân ở đây rất có ý thức trong việc đánh bắt, không ai sử dụng các loại xung điện hay đánh bắt cá theo kiểu tận diệt. Khi đánh bắt, nếu gặp cá quá nhỏ thì cũng không bắt mà thả lại. Hằng năm, bởi là người khai thác nhiều nhất nên ông Phạm Văn Long cũng thả thêm một lượng cá giống để bổ sung cho nguồn cá của hồ. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện cũng tiến hành thả thêm một lượng cá giống giúp cho nguồn cá ở hồ Đăk Hniêng thêm dồi dào, phong phú.
Việc đánh cá kết hợp với bảo vệ, bổ sung nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thuỷ lợi Đăk HNiêng đã tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp nhu cầu thực phẩm tại chỗ, tạo thêm nghề phụ cho nhiều người dân. Đặc biệt, biện pháp khai thác bền vững, thân thiện với môi trường của người dân nơi đây cần được phát huy để nguồn thuỷ sản của hồ Đăk Hniêng mãi dồi dào.
Thiên Hương