Chuyện thu hái cà phê trên “cánh đồng lớn”

07/01/2023 06:03

Gác lại những áp lực thường niên về giá cả, về nhân công thu hái, gần 100 hộ DTTS Xơ Đăng tại thôn Kon K’lốc, xã Đăk Mar (Đăk Hà) chọn thu hái cà phê vào thời điểm cuối vụ. Với cách làm này, triển vọng về xây dựng “cánh đồng lớn” cà phê chất lượng cao tại huyện Đăk Hà ngày càng hiện hữu.
Thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín đạt trên 90% tại "cánh đồng lớn". Ảnh: TN

 

Trong cái se lạnh của tiết mùa Đông, những vườn cà phê của các hộ gia đình thôn Kon K’lốc vẫn tấp nập người lao động. Những trái cà phê đỏ mọng theo những đôi tay thoăn thoắt lần lượt được tách khỏi cành, rụng xuống tấm bạt trải dài theo hàng cây và lần lượt được đóng bao, chở về sân phơi. Đây là diện tích cà phê cuối cùng trong tổng số hơn 15.000ha cà phê của huyện Đăk Hà còn trong thời gian mùa vụ.

Bước vào vụ thu hái năm nay, anh A Bên rất phấn khởi với thành quả lao động của mình. Trên diện tích 1ha nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, sản lượng cà phê tươi tăng gần 4 tấn so với năm 2021. Đôi tay thăn thoắt tuốt tuốt những cành quả chín mọng, A Bên cho biết, gia đình anh cũng có gần 3.000 cây cà phê kinh doanh. Để đảm bảo cà phê chín đạt tỷ lệ theo quy định, lịch thu hái tại khu vực “cánh đồng mẫu” thường muộn hơn những khu vực khác. Tranh thủ thời gian này, anh thuê nhân công chủ yếu là những người lao động trong làng thu hoạch hết diện tích riêng của gia đình, sau đó mới tiến hành thu hái diện tích của phê nhận khoán.

“Trước đây, do chưa có kinh nghiệm mình hái sớm, từ lúc quả còn chưa chín hết, nay thực hiện chủ trương xây dựng thương hiệu “Cà phê Đăk Hà”, phải đợi quả chín trên 90% mới thu hoạch theo lịch của Công ty. Hái khi quả chín không chỉ đạt sản lượng, chất lượng nhân đảm bảo mà còn bán được giá cao hơn” - anh A Bên chia sẻ.

Tương tự như anh A Bên, gia đình anh A Trưa cũng nhận khoán chăm sóc 1ha cà phê thuộc “cánh đồng lớn” ứng dụng công nghệ cao. Năm nay, dù thời gian vụ thu hái đến sớm hơn mọi năm, nhưng gia đình vẫn tuân thủ lịch thu hái theo quy định để đảm bảo tỷ lệ quả chín và giảm bớt được áp lực về nhân công. Thời điểm Công ty chưa cho thu hái, anh cùng một số thanh niên trong thôn tổ chức đi thu hái khoán cho các hộ có cà phê trong vùng, trung bình cũng kiếm được từ 350 - 500 nghìn đồng/người/ngày.

Theo ông A Rôih - Đội trưởng Đội sản xuất Cà phê thôn Kon K’lốc, hầu hết các hộ DTTS nhận khoán chăm sóc cà phê tại thôn đều có diện tích sản xuất các loại cây trồng khác như cà phê, cao su. Để giảm áp lực về nhân công thu hái, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phối hợp xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý, duy trì hình thức đổi công, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý, bảo vệ và thu hái sản phẩm. Nhờ vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê ngay từ khâu thu hoạch quả tươi được các hộ nhận khoán thực hiện nghiêm túc.

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Cà phê 704, “cánh đồng lớn” sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao của Công ty được xây dựng từ năm 2017, có quy mô 78ha, với sự tham gia của 93 công nhân là hộ DTTS Xơ Đăng tại thôn Kon K’Lốc. Sau 5 năm kiến thiết cơ bản, diện tích cà phê này bắt đầu cho thu hoạch ổn định với sản lượng trung bình từ 14 - 15 tấn quả tươi/ha. Hướng tới mục tiêu đạt năng suất từ 5-7 tấn cà phê nhân xô/ha, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm cà phê, thì việc đảm bảo tỷ lệ thu hái quả chín đạt trên 95% đã được quán triệt ngay từ khi các hộ làm hợp đồng nhận khoán.

“Công ty hướng dẫn, giúp người dân biết được lợi ích của việc hái cà phê chín và tự giác thực hiện trên diện tích nhận khoán của mình. Làm vậy không chỉ bảo vệ được vườn cây mà còn tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm. Cái lợi không chỉ là một năm, hai năm mà nó theo nhiều năm sau này nữa” - anh A Rôih khẳng định.

Với trên 15.000ha cà phê được xác định là loại cây trồng chủ lực của huyện Đăk Hà, để phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác, các địa phương, doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất đã triển khai nhiều phương thức phù hợp với điều kiện thực tiễn và bước đầu thu được những thành quả tích cực. Trong đó, thành công bước đầu tại “cánh đồng lớn” cà phê tại thôn Kon K’lốc, xã Đăk Mar với sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy sản xuất của người DTTS, góp phần thực hiện thành công lộ trình xây dựng thương hiệu Cà phê Đăk Hà vươn tầm quốc tế.

Trọng Nghĩa

 

Chuyên mục khác