27/09/2022 06:05
Không phải ai cũng biết, dưới tán rừng nguyên sinh thâm u trên đỉnh Ngọc Linh huyền thoại lại có một cơ ngơi khá bề thế, với nhà xây, hồ cá, điện thắp sáng, đường bê tông từ chân núi lên. Đó là nơi “đóng quân” của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Trưa 19/9, gian nhà rộng hơn 50 m2 chật kín người ngồi, nhưng lại tĩnh lặng vô cùng. Mặc bên ngoài mưa rừng sầm sập đổ xuống, bên trong mọi người vẫn chăm chú nghe một ông cụ mặc bộ quần áo nâu, diện mạo hiền từ, râu dài bay phất phơ kể chuyện tìm ra sâm Ngọc Linh như thế nào.
Ông cụ ấy chính là dược sĩ Đào Kim Long- người tìm ra sâm Ngọc Linh. Câu chuyện của ông đưa chúng tôi trở về với đại ngàn Ngọc Linh thăm thẳm của gần 50 năm về trước.
|
Tháng 3/1973. Một nhóm người đeo ba lô chật vật lần mò từng bước dưới tán rừng nguyên sinh ẩm ướt không một dấu chân người ở độ cao hơn 1.800m. Hành trình của họ giữa đại ngàn Ngọc Linh hùng vĩ đã bắt đầu từ tháng 10/1972.
Đó chính là đoàn điều tra thuộc Ban Y tế Trung Trung Bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, các thành viên là dược sĩ Nguyễn Châu Giang và dược sĩ Nguyễn Thị Lê (người của Ban Y tế Kon Tum) và vài chiến sĩ bảo vệ.
Họ có nhiệm vụ tìm kiếm loại cây được mệnh danh là "thần dược" của người Xơ Đăng được Kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh phát hiện ra một cách tình cờ từ năm 1968, trong một chuyến công tác ở vùng núi Ngọc Linh.
Khi ấy, Kỹ sư Minh đã tìm được một vài củ đem về để chữa vết thương cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và cho kết quả tốt. Tuy nhiên lúc bấy giờ, Kỹ sư Minh chỉ cho rằng đây là một loại dược liệu khá đặc biệt và báo cáo lên Ban Quân y Khu V.
|
Suốt nhiều tháng trời lặn lội trong rừng, đối diện với mưa rừng, lũ thác, rắn rết, thú dữ, càng ngày họ càng lên cao, nhưng “thần dược” vẫn bặt vô âm tín. Đã có lúc mọi người nản lòng muốn từ bỏ, nhưng hy vọng tìm thấy loài thuốc quý chữa bệnh cho bộ đội đã thôi thúc họ tiếp tục.
Và niềm vui đến thật bất ngờ. Vào 9 giờ sáng 18/3/1973, mọi người đã phát hiện cá thể loại cây dược liệu này ở độ cao khoảng 1.800m trong khi "săn tìm" trên vùng núi Ngọc Linh thuộc H80 của tỉnh Kon Tum.
Ngồi kể lại câu chuyện tìm sâm của gần 50 năm trước, dược sĩ Đào Kim Long vẫn còn giữ vẹn nguyên cảm xúc của thời khắc kỳ diệu đó: Tôi bàng hoàng, mắt như hoa đi khi phát hiện ra một thảm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, hoa nở thơm ngát. Chúng tôi đã đến trung tâm của vương quốc của “thần dược”.
Theo dược sĩ Đào Kim Long, sau khi tìm ra loài sâm quý hiếm này, cần phải xác định tên khoa học của nó. Trong điều kiện lúc bấy giờ, đây là việc vô cùng khó khăn, kể cả ở Hà Nội, nói gì đến chiến trường.
Nhưng với kinh nghiệm có được từ nhiều cuộc điều tra dược liệu tại miền Bắc, nhất là cuộc điều tra nhân sâm ở dãy Hoàng Liên Sơn, cộng với việc phân tích đặc điểm phân tán và di cư của nhân sâm ở núi Ngọc Linh, tôi nhận thấy cây sâm Ngọc Linh không thể đi từ nơi khác đến mà là một cây bản địa và đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh- ông nói.
Vì vậy, căn cứ vào hình dáng thân rễ có đốt, dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào (theo tiền lệ thực vật chí, người được ghi công phát hiện loài mới sẽ được gắn tên cùng loài thực vật ấy- LH). Trong các tài liệu gửi ra Bộ môn Thực vật học, trường Đại học Dược khoa Hà Nội, cây sâm Ngọc Linh đều được mang tên này.
Ngay trong năm 1973, sau khi sâm Ngọc Linh được phát hiện và bàn giao cho tỉnh Kon Tum, Ban Y tế miền Trung Trung bộ, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Phan Phụ (Quyết) đã đề nghị Khu ủy Khu V đã chỉ đạo khoanh vùng bảo vệ, khai thác làm thuốc chữa bệnh, trị thương cho cán bộ, chiến sĩ.
|
Nếu tính từ 9 giờ ngày 18/3/1973 đến nay (tháng 9/2022), cây sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi thân phận “thuốc giấu” được 49 năm. Một cây hoang dại có từ khai thiên lập địa, âm thầm sống trên núi Ngọc Linh đã trở thành danh thảo nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Mọi người Việt Nam ai cũng biết, đất nước ta, trên núi Ngọc Linh, có một loài nhân sâm quý hiếm không kém bất cứ một loại sâm quý nào trên thế giới, như sâm Trường Bạch của Triều Tiên, sâm Tây Dương của Mỹ, sâm Trung Quốc.
Nhắc lại chuyện cũ, dược sĩ Đào Kim Long vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian nan, lội suối, luồn rừng tìm... sâm, phải nhịn đói, nhịn khát, bị sốt rét hành hạ, suýt chết vì bị lũ cuốn. Nhưng điều làm ông "khắc cốt ghi tâm" là sự bảo vệ của cán bộ, chiến sĩ H80 và tình cảm của người dân Xơ Đăng dành cho đoàn.
"Đến H80, nhóm chúng tôi đã được lãnh đạo huyện tổ chức một buổi nói chuyện với tất cả các già làng tại làng Đăk Rơ Man, và tôi đã kết nghĩa với già làng Đăk Rơ Man. Sau này tôi mới hiểu, ý nghĩa sâu xa của buổi gặp mặt này là ngầm giới thiệu tôi với nhân dân các dân tộc trên núi Ngọc Linh để họ biết và bảo vệ chúng tôi"- dược sĩ Đào Kim Long xúc động nhớ lại.
Và chính nhờ sự chu đáo ấy mà nhóm của ông đã "thoát nạn". Trong khi đang chú tâm nghiên cứu sự phát tán và di cư của sâm Ngọc Linh thì ông và Nguyễn Châu Giang bị dân làng bắt vì nghi là... biệt kích. Rất may là già làng nhận ra là đã gặp ông ở Đăk Rơ Man nên thả và cho thêm một gùi khoai lang để ăn đường.(Còn nữa)
HỒNG LAM