02/07/2019 13:05
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuyển giao ứng dụng khoa học trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Đoàn Trọng Đức - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tỉnh ta có đề tài “Xây dựng lộ trình phát triển sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum khi Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện AFTA”, đề tài “Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất công nghiệp tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum”... cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược và chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, trong trồng trọt, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học xác định được giống đậu tương năng suất đạt 4,5-5 tấn/ha, đậu phộng 1,7 tấn/ha, mì trên 30 tấn/ha, các giống lúa nước mới năng suất 6-7 tấn/ha, bắp lai năng suất 6,5-8 tấn/ha, các giống rau, hoa chịu lạnh (suplơ xanh, ớt tây, khoai tây, đậu Hà Lan, bí ngồi; hoa cẩm chướng, lyly, hồ điệp...) có giá trị kinh tế cao; khảo nghiệm, ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới do các viện nghiên cứu chọn tạo. Qua đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chọn được các giống có năng suất, chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương như: Lúa chất lượng cao RVT, HT9; mía K95-156, Suphanburi, K88-92, LK92-11; các giống cà phê chè TN1, TN2, F5TN1; cà phê vối RT4; các giống mì KM140, KM419, KM98-7, SM2075-18... Các kết quả nghiên cứu trên được các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng sản xuất.
|
Trong chăn nuôi, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để lai tạo đàn bò địa phương; ứng dụng các chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi... giúp các hợp tác xã, hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng và đáp ứng yêu cầu chăn nuôi trên địa bàn.
Trong nuôi trồng thuỷ sản, từ sự chuyển giao của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp nhận quy trình công nghệ ươm ấp cá giống hay nuôi các giống cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá lăng nha, cá thát lát cườm, diêu hồng, cá chẽm... trên lòng hồ thuỷ điện Sê San, Plei Krông.
Trên lĩnh vực công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ kinh phí triển khai xây dựng mô hình lò đốt gạch liên tục kiểu đứng cho cơ sở Hợp tác xã Tân Tiến và Hợp tác xã Duy Tân để thay thế các lò gạch thủ công truyền thống.
Trong chế biến nông sản, dược liệu và tiêu thụ sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm như: Trà linh chi sâm, trà linh chi, trà trinh nữ hoàng cung, trà ngũ vị tử, trà hà thủ ô, trà diệp hạ châu; nước sâm dây đóng lon, sâm cao dây; sản xuất cà phê bằng công nghệ lên men. Đồng thời, thông qua Hội chợ thiết bị và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thông báo đến các hợp tác xã, các thành phần kinh tế ở tỉnh tham gia và nắm bắt thông tin về các công nghệ, thiết bị mới.
Trước yêu cầu đặt ra trong sản xuất và để Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) tiếp tục phát huy hiệu quả, Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị tỉnh có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu tham gia liên kết cùng hợp tác xã tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; có cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất đối với hợp tác xã và người dân trên địa bàn tỉnh...
Văn Nhiên