Chuyển đổi ruộng lúa thiếu nước sang cây trồng cạn: Góc nhìn từ tái cơ cấu nông nghiệp

26/01/2017 13:59

Một trong những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu nông nghiệp được quan tâm là nâng thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích và thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm. Việc chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên thiếu nước tưới trong vụ đông xuân sang cây trồng cạn hàng năm ở tỉnh nếu thực hiện tốt sẽ đáp ứng được yêu cầu này.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vấn đề quan trọng được Chính phủ đặt ra là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trên cơ sở này và để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã thực hiện Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước vụ đông xuân, hay nói gọn lại là chuyển đổi sang cây trồng cạn hàng năm.

Mục tiêu được tỉnh đặt ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là giải pháp kỹ thuật để chuyển đổi trên 1.000ha lúa đông xuân có nguy cơ thường xuyên thiếu nước sang trồng cây trồng cạn hàng năm nhằm hạn chế rủi ro sản xuất, nâng cao thu nhập và lợi nhuận trên đơn vị diện tích, khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn...

Người dân xã Đăk La (huyện Đăk Hà) chuẩn bị đất trồng mì trên diện tích chuyển đổi. Ảnh: V.N

 

Về mặt nguyên tắc, Đề án đặt ra yêu cầu chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại (không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa của cấp xã)... đang được các địa phương thực hiện theo đúng quy định. Trên thực tế, điều kiện này cũng đáp ứng với yêu cầu và nguyện vọng của người nông dân.

Thực hiện mục tiêu và yêu cầu đặt ra, ngay trong vụ đông xuân này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp huyện Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum tiến hành tập huấn, hỗ trợ giống, phân bón cho người dân trồng gần 400ha mì cao sản. Trên diện tích chuyển đổi, người dân ở các địa phương đã tiến hành xuống giống, cây mì nẩy mầm, đâm chồi non.

Tuy nhiên, một số diện tích mì mới trồng nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông, Ya Ly gặp mưa lớn cuối mùa, nước lòng hồ dâng lên gây ngập làm thiệt hại một số diện tích. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành hỗ trợ cho người dân trồng lại trên một số diện tích bị thiệt hại. Điều này cho thấy rằng, thời tiết ngày càng bất thường, khó đoán định, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc, nắm bắt dự báo khí tượng thủy văn và tính toán kỹ lưỡng khu vực đất chuyển đổi phù hợp hơn trong những năm đến.

Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong vụ đông xuân năm 2016-2017, ngoài cây mì đang được tỉnh hỗ trợ, các địa phương còn có kế hoạch chuyển đổi đất trồng lúa có nguy cơ thiếu nước tưới sang trồng 244,4ha bắp, 184,4ha rau, đậu và cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc theo Đề án.

Việc hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang trồng bắp được thực hiện theo Quyết định 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả chuyển đổi sẽ được tỉnh tổng hợp vào cuối vụ để báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng hỗ trợ theo quy định.

Đối với việc hỗ trợ chuyển đổi sang trồng rau, đậu và cỏ được thực hiện từ nguồn kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất của Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương.

Đến các địa phương có diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước tưới chuyển đổi sang trồng cây mì, chúng tôi thấy người dân rất phấn khởi và thực hiện theo đúng yêu cầu của cơ quan khuyến nông và mục tiêu của Đề án.

Theo người dân chuyên canh cây mì ở xã Kroong (thành phố Kon Tum), lấy giá mì thấp (800 đồng/kg củ mì tươi như năm nay), nếu thâm canh tốt, việc trồng mì vẫn có lời hơn trồng lúa gấp 4 lần. 

Theo Đề án cho thấy, trong số trên 1.000ha lúa có nguy cơ thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng cạn được thực hiện từ năm 2016-2018, có trên 600ha mì, còn lại là các cây trồng khác. Cây mì lại có đầu ra ổn định từ các nhà máy chế biến mì ở các địa phương và điều này cũng phù hợp với việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ).

Nếu việc chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên thiếu nước tưới trong vụ đông xuân sang cây trồng cạn thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao sẽ góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương trong những năm đến.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác