23/06/2017 16:22
Ông Đỗ Hồng Quốc - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết, đây là một trong những mô hình nằm trong chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa thành phố Kon Tum với thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) về phát triển nông nghiệp ứng dung công nghệ cao.
Gần 2ha đất sản xuất lúa 1 vụ bị hạn nặng chuyển sang xây dựng mô hình trồng rau an toàn của 9 hộ dân, nằm trên cánh đồng Chùa thuộc tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo. Đây là khu vực chân ruộng cao nên hàng năm bà con nông dân nơi đây chỉ canh tác được 1 vụ lúa, còn lại phải bỏ đất trống.
|
Các hộ nông dân tham gia mô hình được UBND thành phố Kon Tum và phường Trần Hưng Đạo hỗ trợ một phần kinh phí nạo vét kênh mương nội đồng, đào giếng, kéo đường dây điện, giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Trước khi xuống giống, các đơn vị đã tổ chức cho các hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất rau an toàn tại thành phố Đà Lạt.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, các hộ dân tham gia mô hình đã tích cực cải tạo đất, trồng nhiều loại rau như dưa leo, khổ qua, đậu ve, ớt, măng tây xanh, cải, cà chua, bầu, mướp…; biến cánh đồng khô cằn trước đây thành cánh đồng rau trải dài với màu xanh tươi, trông mát mắt.
Bà Lê Thị Minh (tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo), hộ dân được chọn tham gia mô hình chia sẻ: Việc triển khai mô hình chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ bị khô hạn nặng sang sản xuất rau an toàn khiến bà con nông dân trong vùng rất phấn khởi. Các bước, các khâu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân đều được hỗ trợ một phần kinh phí để kéo điện, đào giếng nước phục vụ tưới tiêu và kỹ thuật trồng trọt nên rất thuận tiện cho việc sản xuất.
Bà Minh cho biết, nếu như trước đây việc trồng lúa 6 tháng mới cho thu hoạch, thì hiện nay việc trồng rau, đậu các loại chỉ sau 1-2 tháng xuống giống đã có thu. Vụ này kết thúc, bà con có thể đảo đất để trồng tiếp vụ khác nên nguồn thu tăng lên gấp 4-5 lần so với việc trồng lúa.
Để sản xuất rau theo hướng an toàn, các hộ gia đình tham gia mô hình cam kết chịu sự theo dõi và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông địa phương từ quy trình sản xuất đến cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thời gian cách ly thuốc đến ngày thu hoạch, đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng khi mua sản phẩm tiêu thụ.
Nhận thấy các hộ dân tham gia mô hình chuyển đổi từ trồng lúa 1 vụ sang trồng rau có hiệu quả cao, thời gian qua, một số hộ nông dân có đất trồng lúa 1 vụ trên khu vực cánh đồng Chùa cũng đã học hỏi mô hình chuyển đổi trồng lúa 1 vụ sang trồng rau theo hướng an toàn.
Bà Hoàng Thị Lợi (tổ dân phố 1, phường Trần Hưng Đạo) cho biết, gia đình bà có 3 sào đất lúa 1 vụ nên đời sống rất khó khăn. Gần 1 năm nay, dù không nằm trong số hộ dân được hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất rau an toàn của phường nhưng gia đình vẫn mày mò học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất rau an toàn của các hộ dân trong khu vực để chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình bà Lợi đã có nguồn thu nhập trung bình tăng gấp 5 lần so với trồng lúa nên cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.
Để thuận lợi cho việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất trong việc luân phiên nhau trồng các loại rau để đáp ứng nhu cầu thị trường, chăm sóc cây trồng đúng quy trình rau an toàn…, tháng 2/2017, phường Trần Hưng Đạo đã vận động các hộ dân thành lập mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn.
Để nhân rộng mô hình, phường Trần Hưng Đạo đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư hệ thống điện, đường, kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân – ông Đỗ Hồng Quốc chia sẻ.
Bài, ảnh: Tú Quyên