Chuyển đổi cơ cấu kinh tế - Chìa khóa tăng trưởng

27/12/2024 13:04

Nhiệm kỳ 2020 – 2025 được xem là một nhiệm kỳ thành công của tỉnh trong tăng trưởng kinh tế, khi liên tiếp tạo ra sức đột phá, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.

Cụ thể, năm 2020, tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về tốc độ tăng trưởng kinh tế với 6,95%, xếp thứ 7 của cả nước. Đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 6,47%, xếp thứ 2 của khu vực Tây Nguyên sau Gia Lai. Năm 2022, Kon Tum bứt phá với tốc độ tăng trưởng 9,5%, xếp thứ 2 khu vực Tây Nguyên sau Lâm Đồng. Năm 2023 và 2024, Kon Tum có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 7,32% và 8,2%, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong hai năm liên tiếp.

Có được thành quả đó, không chỉ là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, mà còn là sự chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Một trong những dấu ấn quan trọng để kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển chính là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng của các ngành, lĩnh vực mang lại giá trị thấp; nâng cao tỷ trọng của các ngành kinh tế có giá trị cao.

Bà con nông dân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: P.L

 

Là một tỉnh thuần nông, nên trong nhiều năm, kinh tế của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, khi chiếm tỷ trọng 44,8% vào năm 2002 và 41,04% vào năm 2010. Chỉ trong vòng 10 năm, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch đáng ghi nhận. Năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm xuống còn 21-22%; khu vực công nghiệp và xây dựng 28-29%; khu vực dịch vụ 43-44%.

Đến năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 19-20%; tăng khu vực công nghiệp và xây dựng lên 31-32%; khu vực dịch vụ 41-42%.

Ông Huỳnh Mười- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong những năm qua, tỉnh có mức tăng trưởng khá cao và khá bền vững so với các tỉnh trong khu vực là thành công bước đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cả chiều rộng và chiều sâu, tập trung vào ba động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Xuất khẩu thường phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, tỉnh đã làm tốt cải cách thủ tục hành chính, thông quan cửa khẩu, cũng như tận dụng để phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Giai đoạn 2021 – 2024, kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng khoảng 9,25%/năm. Nguồn vốn đầu tư tiếp tục là yếu tố đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng GRDP thời gian qua, khi đứng trên góc độ đóng góp của các yếu tố đầu vào. Tỉnh cũng luôn chú trọng phát triển thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng trên địa bàn- ông Huỳnh Mười nhấn mạnh.

Thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không phải là việc giảm diện tích canh tác, mà là nâng cao hơn tỷ trọng kinh tế trong các lĩnh vực khác lên.

Đơn cử, Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) hiện có khoảng 600ha cà phê. Để nâng cao giá trị cà phê, Hợp tác xã đã phát triển hơn 250ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C.

Ông Phạm Xuân Bé- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã cho biết, hoạt động của hợp tác xã chủ yếu theo chuỗi giá trị, tức là không chỉ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm tinh, trực tiếp bán ra thị trường. Hiện nay, hợp tác xã đã tự sản xuất được cà phê bột và cà phê hạt mang thương hiệu Đăk Mar, được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và được thị trường đón nhận. Nhờ đó, doanh thu tăng khoảng 30 – 40% so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần.

Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, người nông dân trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà còn tạo ra được sản phẩm tinh, thành phẩm và tự bán trên thị trường. Đó là một hướng đi mới, giúp nông dân có được thêm thu nhập từ thương mại, dịch vụ. Điều đó cũng khẳng định sự đúng đắn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Du lịch đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh: PL

 

Một lĩnh vực khác ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Kon Tum trong những năm qua là dịch vụ - du lịch. Theo thống kê, năm 2024, tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ chiếm khoảng 40,8% trong tổng GRDP của tỉnh, giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ đạt khoảng 15.610 tỷ đồng, tăng hơn 145% so với năm 2020.

Ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, tổng lượng khách bình quân giai đoạn 2021-2024 tăng khoảng 74%/năm, thực hiện năm 2024 ước đạt khoảng 2,3 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 9 lần so với đầu nhiệm kỳ và đạt 92% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng nhanh qua các năm, năm 2024 ước đạt khoảng 690 tỷ đồng, tăng gấp 5,75 lần so với năm 2020.

“UBND tỉnh đã phê duyệt đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm: Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có giá trị cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Kon Tum. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2045, xác định Khu du lịch Măng Đen, Kon Tum mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển và tăng tỷ trọng lĩnh vực du lịch, dịch vụ, góp phần đưa kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo"- ông Huỳnh Mười khẳng định.

Phù Lưu

Chuyên mục khác