Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng sâu: ​Băn khoăn đầu ra cho sản phẩm

26/12/2017 07:02

​Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên “cái khó đang bó cái khôn” khi sản phẩm người dân làm ra ở nhiều nơi còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ khiến người nông dân có phần nao núng, dao động…

Mấy năm nay, nhiều người dân ở thôn 4 (xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai) chịu thương, chịu khó tận dụng các quỹ đất trống trồng nào bắp, nào bí đỏ, đậu phụng...với mong muốn có thêm chút thu nhập. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Thương lái nếu có thu mua thì cũng ép người dân bán với giá rẻ như cho.

Chị La Thị Toàn than thở: Năm trước, nhà mình trồng bí đỏ, nhưng bán không được. Năm nay, nhà mình chuyển sang trồng đậu phụng, nhưng đến lúc có sản phẩm, thương lái vào trả có 15.000 đồng/kg nhân mà họ còn chê ngược chê xuôi không muốn mua. Nếu mình muốn bán được với giá cao hơn một chút thì phải mang ra tận ngoài xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mà nhà mình thì cách quá xa, đi lại mất công, không có thời gian nên mình đành phải chấp nhận năn nỉ thương lái mua với giá rẻ.

Thời gian qua, người dân xã Ngọc Linh rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cà phê nhưng sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Ảnh: T.H

 

Cũng may cho người dân thôn 4, những sản phẩm nông nghiệp mà họ bị ép giá, bán không được đó đều là những loại nông sản phụ. Người dân đa số chỉ tranh thủ làm thêm để có thêm chút thu nhập ngoài công việc chính là làm công nhân cao su. Nhưng ở một số nơi, có những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm mới của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà chính quyền và người dân địa phương phải nỗ lực thực hiện cũng rơi vào tình cảnh tiêu thụ khó khăn, tư thương ép giá.

Xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) là một ví dụ; những năm qua, sản phẩm cà phê xứ lạnh của người nông dân làm ra không ít, nhưng bán không được hoặc bị ép giá hết mức. Chủ tịch UBND xã- Lê Bá Thế chia sẻ: Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã biết trồng cà phê xứ lạnh. Toàn xã hiện có 132 ha. Thế nhưng, khổ nỗi là cứ đến mùa thu hoạch là giá cả lại rớt thê thảm và rất khó tiêu thụ. Chẳng hạn như nếu ở ngoài xã Đăk Choong người dân bán được giá 7.000 đồng/kg cà phê quả tươi thì vào trong đây chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, thậm chí có lúc còn xuống thấp hơn mà vẫn không bán nổi. Đấy đâu phải là dân mình lười đâu mà do hàng hoá làm ra khó tiêu thụ quá nên cái nghèo cứ mãi luẩn quẩn, bám riết lấy cuộc sống của các gia đình.

Cách Mường Hoong không xa, ở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) tình trạng này còn nan giải hơn. Toàn xã hiện có 115 ha cà phê xứ lạnh. Bà con trong xã rất cần cù, chịu khó, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mong mỏi cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, cà phê thu hoạch thì phải bán với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 –1/2 so với giá bán bình quân trên thị trường. Vậy mà chưa hết, có thời điểm người dân vất vả gùi cà phê từ trên rẫy xuống trung tâm xã để bán nhưng thương lái không thu mua khiến bà con dở khóc dở cười. Ngay cả sản phẩm sâm đương quy cũng vậy, lúc cần thì thương lái mua với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, nhưng lúc họ không cần thì có khi chỉ bán được giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Người dân cần tiền thì  buộc phải bán, mà bán thì vừa tiếc công, tiếc của; đúng là đã nghèo lại gặp phải cái eo.

Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh - A Tiên giãi bày: Chính vì cái cảnh nông sản làm ra khó tiêu thụ, giá cả thấp nên thu nhập không cao khiến bà con chán nản. Nhiều hộ đã có ý định chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây khác. Chính quyền xã phải vất vả vận động để người dân kiên trì bám trụ với loại cây trồng này.

Không riêng gì Mường Hoong, Ngọc Linh hay Ia Dal, mà ở xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) cũng vậy. Giao thông cách trở, đường xá đi lại khó khăn khiến cho việc tiêu thụ các loại nông sản như mì, bắp của nông dân vô cùng chật vật. Thương lái luôn vin vào cớ này để “đục nước béo cò”, ép giá nông dân nhằm trục lợi.

Ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, những nơi chúng tôi đã từng đến bà con đều than phiền về tình cảnh làm ra nông sản khó một mà tiêu thụ thì còn khó  khăn hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, nhiều loại sản phẩm có số lượng lớn ở các địa phương; nếu như những sản phẩm này được tiêu thụ nhanh chóng, sản xuất đến đâu bán đến đó thì chuyện thoát nghèo đối với bà con không còn là việc khó khăn. Song, thực tế cho đến nay, chính quyền nhiều địa phương vẫn luôn băn khoăn, trăn trở mà chưa tìm ra đáp áp của bài toán đầu ra hiệu quả cho sản phẩm nông nghiệp người dân vùng khó.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất, cải thiện thu nhập cho người dân và hơn hết là hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Song câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm dường như vẫn là rào cản khiến cho con đường này trở nên khó khăn.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác