Chuyển đổi cây trồng ở Tân Cảnh

23/08/2020 06:13

Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) luôn quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước giảm nghèo bền vững và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Anh Mai Huy Hưng - Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) cho biết, với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, tài nguyên đất đai tự nhiên dồi dào (với 5.000ha), nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được triển khai ở xã Tân Cảnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là một trong những tiền đề cơ bản góp phần đưa xã Tân Cảnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

Phát huy những kết quả đạt được, bên cạnh việc từng bước dịch chuyển cơ cấu kinh tế nông thôn phù hợp theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, trong những năm qua, chính quyền xã tiếp tục xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là mũi nhọn cần ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng xã Tân Cảnh thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến tham quan vườn mít Thái rộng hơn 1ha của anh Tống Bá Thanh (thôn Đăk Ri Dốp), chúng tôi không khỏi trầm trồ bởi hiệu quả kinh tế của mô hình.

Anh Nguyễn Văn Lợi trồng xen nhiều loại cây ăn trái trong vườn. Ảnh: H.T

 

Anh Thanh chia sẻ: Vào năm 2015, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, tôi chuyển sang trồng cây ăn trái gồm ổi và mãng cầu. Sau hơn 2 năm, nhận thấy trồng các loại cây trên hiệu quả không cao, tôi quyết định chuyển sang mô hình trồng mít Thái. Được sự hỗ trợ về chọn giống và kỹ thuật của chính quyền địa phương, đầu năm 2018, tôi mua hơn 300 cây mít Thái về trồng. Hiện tại, vườn mít phát triển tốt, cho nhiều trái, ít sâu bệnh, mỗi năm thu hơn 5 tấn quả, lợi nhuận thu về hơn 200 triệu đồng. 

Cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Nguyễn Văn Lợi (thôn 4) thực hiện chuyển đổi 1,5ha cây cà phê sang mô hình trồng xen nhiều loại cây ăn trái. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp gia đình anh có thu nhập hơn hẳn trồng cà phê trước đây.

Anh Lợi cho biết, vào năm 2018, khi nhận thấy vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất kém, lúc này giá lại xuống thấp, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha cà phê của gia đình sang trồng xen 5 loại cây ăn trái gồm bơ, mít, sầu riêng, cam, thanh long. Với kiến thức được tập huấn từ trước, cộng thêm sự tìm tòi học hỏi và cần cù chăm chỉ, anh Lợi đã làm chủ được kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc vườn cây ăn trái. Vào năm 2019, dù các cây còn nhỏ, mới bước đầu cho thu bói, nhưng gia đình anh vẫn có lợi nhuận trên 200 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng cà phê trước đây.

Từ năm 2015 đến nay, người dân ở xã Tân Cảnh thực hiện chuyển đổi gần 200ha từ những cây trồng hiệu quả thấp như lúa, mì, cao su... sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, cây ăn trái.

Chỉ tính riêng năm 2020, người dân xã Tân Cảnh đã tiến hành trồng mới khoảng 5ha sầu riêng, 7ha chanh dây, 15ha cà phê, 5,2ha cây mắc ca...

Bên cạnh các loại cây trồng mới, dài ngày, người dân Tân Cảnh còn thực hiện chuyển đổi sang những loại hoa màu ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế. Hiện tại, địa phương có gần 50ha nông sản gồm rau, đậu các loại cho năng suất cao, cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng.

Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Cảnh chỉ đạt 23 triệu đồng, thì đến năm 2019 đạt 40 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 7% (năm 2015) xuống còn 3,6% (năm 2019).

Anh Mai Huy Hưng cho biết, xã tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách của huyện; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chọn giống, canh tác, quản lý dịch bệnh; tạo chuỗi liên kết sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, từ đó giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác