Chuyển biến xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Xú

19/07/2017 07:02

​Thông qua việc huy động các nguồn lực và sức dân, xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi) tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho người dân.

Được thiên nhiên ưu đãi đất đai phì nhiêu và được các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, trong những năm qua, việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của người dân ở xã Đăk Xú có những chuyển biến tích cực.

Giao thông nông thôn ở xã Đăk Xú. Ảnh: Đ.N

 

Theo ông Đào Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, không nằm trong diện xã điểm, việc đầu tư xây dựng nông thôn mới có hạn, xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và tuyên truyền, vận động người dân tạo được sự đồng thuận xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, việc phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới thuận lợi và xuất hiện nhiều nhân tố điển hình. Về cá nhân, có bà Y Ét (thôn Đăk Giao) hiến 300m2 đất xây dựng Trường mầm non thôn Đăk Long, ông Thao Lốc (thôn Đăk Trang) hiến đất trị giá 200 triệu đồng làm đường giao thông. Về tập thể, có Bộ đội Biên phòng, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tham gia đóng góp xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ, công trình nước sạch tự chảy cho người dân thôn Đăk Loong, Đăk Giao…

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã vận động và tạo điều kiện cho người dân  vay vốn chuyển đổi cây trồng, phát triển mạnh cây cao su, cà phê, bời lời… có giá trị kinh tế cao. Từng một thời khốn khó, bằng việc lấy ngắn nuôi dài và vay vốn mở rộng sản xuất, đến nay, Bà Y Hếp (thôn Đăk Trang) phát triển 10ha cao su, 8ha cà phê và 5ha mì. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình bà Y Hếp thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Bà Y Hếp trở thành nguồn động lực cho người dân ở địa phương vươn lên giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển.

Phát triển kinh tế vườn ở xã Đăk Xú. Ảnh: Đ.N

 

Ở xã Đăk Xú, nói đến các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, không ai không biết ông A Xem ở thôn Chiên Chiếc. Có đầu óc kinh doanh và tư tưởng làm ăn lớn, ông A Xem phát triển 30ha cao su và từ lâu sắm được ô tô phục vụ vận chuyển mủ cao su. Mấy năm gần đây, mặc dù mủ cao su rớt giá, nhưng sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông vẫn có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm

Bà Nguyễn Thị Sang (thôn Thung Nai), Đinh Thị Tuyết (thôn Chiên Chiếc) sản xuất cao su, cà phê… có thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm. Số hộ sản xuất giỏi, có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm từ cây công nghiệp ở xã Đăk Xú rất nhiều.    

Theo UBND xã, đến nay xã Đăk Xú phát triển 1.121ha cao su, 373,3ha cà phê, 163ha bời lời, 16ha tiêu... Chăn nuôi cũng có bước phát triển mạnh, đàn bò trên 400 con, đàn heo gần 2.450 con và đàn gia cầm trên 39.700 con… Thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 4,6%. Sản xuất phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Bằng việc tranh thủ các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Đăk Xú đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới (quy hoạch; thủy lợi; điện; cơ sở hạ tầng thương mại; thông tin và truyền thông; hộ nghèo; lao động có việc làm; giáo dục - đào tạo; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng và an ninh). Xã phấn đấu đến năm 2020 đạt nông thôn mới theo kế hoạch đã định.

Đường ra khu sản xuất rợp bóng cao su. Ảnh: Đ.N

 

Để tiếp tục củng cố các tiêu chí đạt được, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, ông Tuấn cho biết, xã Đăk Xú đang triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển công nghiệp chế biến nông sản và thương mại-dịch vụ… tạo ra động lực mới xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác