27/12/2017 07:02
Trong không khí thi đua nước rút của những tháng cuối năm, chúng tôi về các địa phương để tìm hiểu việc xây dựng nông thôn mởi. Dường như đến đâu, chúng tôi cũng thấy dấu ấn nông thôn mới như những tuyến đường giao thông, trường học, nhà rông văn hóa được xây dựng khang trang; các mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Trao đổi về việc xây dựng nông thôn mới, ông Đinh Hồng Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem (Kon Plông) cho biết, bằng việc huy động các nguồn lực và phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, năm nay xã Ngọc Tem đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng 6 tuyến đường giao thông nông thôn mới ở các thôn, làng. Vào các làng dọc theo đường Đông Trường Sơn, chúng tôi thấy các tuyến đường bê tông nông thôn mới đi dọc các làng, nhiều tuyến đường mở ra khu sản xuất.
|
Thấy tôi khen đường mở ra khu sản xuất đẹp, A Hồng, thôn 7, xã Ngọc Tem thật lòng: Giao thông và sản xuất phát triển, cuộc sống người dân trong thôn không còn khổ như xưa. Người Cà Dong ở xã Ngọc Tem đang từng bước giảm được nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum), ông Nguyễn Hải An - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blà tâm sự: Mặc dù không phải là xã điểm, nhưng bằng việc huy động các nguồn lực, từ đầu năm đến nay, xã xây dựng 10 tuyến đường bê tông nông thôn dài hơn 3 km với tổng số vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng (kể cả dân đóng góp). Giao thông nông thôn phát triển, việc đi lại và vận chuyển nông sản từ đồng ruộng, nương rẫy về nhà dân thuận lợi.
Trong xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Blà còn quan tâm việc đào tạo nghề cho người dân. Bàn về đào tạo tạo nghề, A Kuưng (thôn Kon Tu 2) phấn chấn: Qua chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn được các cấp chính quyền địa phương đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây trồng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân trong thôn ai cũng biết dùng phân chuồng và mua các loại phân hóa học thâm canh lúa, bắp, cao su…để tăng năng suất. Riêng trong vụ mùa năm nay, gia đình tôi sản xuất lúa năng suất đạt hơn 7 tạ/sào.
|
Ở xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà), trong việc chạy đua nước rút để đạt nông thôn mới, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã quan tâm hỗ trợ người dân ở các thôn xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình như rau an toàn, tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững…Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất vào việc thực hiện các mô hình này, rất nhiều hộ gia đình ở có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí gần cả tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Xuân Dưỡng- Bí thư chi bộ thôn Đăk Lộc cho biết, Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững ở thôn Đăk Lộc có 33 hộ chuyên canh cà phê bền vững. Sản xuất cà phê bền vững, phần lớn các hộ gia đình đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong Tổ hợp tác không còn hộ nghèo, 2/3 số hộ có mức sống khá.
Theo ông Trịnh Văn Sơn- Phó Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, trong năm 2017, tỉnh ta huy động 149 tỷ đồng (kể cả vốn dân đóng góp) xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn chuyển tiếp xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh bê tông hóa 25 km đường giao thông nông thôn, 0,7 km kênh mương, xây dựng 6 nhà văn hóa thôn, 6 khu thể thao và nhiều trường học...
Việc sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đánh giá từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực. Văn phòng Điều phối nông thôn mới ghi nhận thêm các mô hình mới tiêu biểu như: mô hình chế phẩm sinh học trong sản xuất cà phê vối, sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, trồng sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm dưới tán rừng, mô hình phát triển cây dược liệu...
Tiếp tục quân tâm đầu tư và huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước.
Văn Nhiên