30/06/2018 08:06
Theo bà Phạm Thị Trung - Bí thư Huyện ủy Đăk Hà, sau khi quán triệt việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Huyện ủy xác định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Đồng thời, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới ở huyện Đăk Hà.
|
Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, UBND huyện Đăk Hà tập trung vào thực hiện các chương trình, kế hoạch như: Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tái canh cà phê; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng cánh đồng lớn; phát triển cao su tiểu điền; cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; liên kết “4 nhà”; phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Thông qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch trên, huyện Đăk Hà đã thật sự tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, chú trọng đến giá trị chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong quá trình sản xuất.
Trên cơ sở quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, huyện Đăk Hà chỉ đạo chú trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tổ chức lại sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân vay vốn và hỗ trợ mua cây giống phát triển cao su tiểu điền, tái canh cà phê bằng giống mới; hỗ trợ giống, kỹ thuật, thu mua sản phẩm nông nghiệp cho hộ nghèo; xây dựng mô hình lúa thơm; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tạo sự đột phá, giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động là quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đăk Hà và được triển khai mạnh mẽ trong thực tế sản xuất ở nông thôn. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp ở địa phương từng bước được cơ giới hóa.
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện thông qua hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư các loại máy như: máy cày rạch hàng, phay xốp đất trồng cà phê thay cuốc hố, cuốc xốp; máy làm cỏ thay dần công cụ cầm tay; máy bơm điện thay cho dùng bơm xăng dầu; máy bừa, máy cày trong các khâu làm đất thay cho trâu bò… giúp nông dân nâng cao năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Song song với đó, huyện Đăk Hà đưa ra chủ trương gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Bước đầu huyện hình thành liên kết “4 nhà” ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như ở các vùng sản xuất cà phê, lúa… để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho nông dân.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện có sự chuyển dịch rõ nét, cây trồng chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích cây hàng năm sang cây lâu năm. Trong đó, diện tích cây hàng năm từ hơn 9.000ha năm 2008, giảm xuống còn hơn 8.000ha năm 2017; diện tích cây lâu năm tăng từ 11.484,18ha năm 2008 lên 16.287,81ha năm 2017.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất theo hướng trang trại, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại làng nghề để kiểm soát dịch bệnh; hỗ trợ dân tăng mạnh đàn gia súc, đặc biệt là đàn bò lai. Tổng đàn gia súc năm 2017 là 24.245 con (đàn trâu, bò, dê là 10.025 con, đàn heo 14.220 con).
Huyện cũng đã triển khai chính sách giao, cho thuê đất, mặt nước để nông dân đầu tư cơ sở vật chất nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh. Việc nuôi trồng thủy sản với các giống cá mới như: cá rô phi đơn tính, rô đồng đầu vuông, diêu hồng, trê lai, chép lai…. có năng suất và chất lượng cao được phát triển mạnh.
Để góp phần công nghiệp hóa nông thôn, huyện Đăk Hà đã thành lập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp Đăk Hà; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Đăk Mar với quy mô hơn 37ha nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản, sản xuất phân vi sinh ứng dụng công nghệ cao.
Huyện cũng triển khai thực hiện Đề án khuyến công, Đề án phát triển thương mại nông thôn và các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trọng yếu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện đầu tư ứng trước và bao tiêu sản phẩm, góp phần tích cực trong tiêu thụ, chế biến và nâng cao chất lượng nông phẩm.
Bằng những nỗ lực nêu trên, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ ngành nông-lâm- thủy sản trong cơ cấu chung của huyện chiếm 44,6%; giá trị nông-lâm-thủy sản đạt trên 1.950 tỷ đồng, tăng trên 1.300 tỷ đồng so với năm 2008 (theo giá hiện hành).
Về xây dựng nông thôn mới, huyện huy động các nguồn lực và sức dân xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện có 3/10 xã đạt nông thôn mới. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng lên hơn so với trước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Đăk Hà, việc vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên địa bàn nông thôn theo quy hoạch còn nhiều khó khăn; năng suất, chất lượng một số cây trồng còn thấp. Trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, người nông dân còn thiếu thông tin thị trường; chưa có giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ sản phẩm; việc đầu tư cho “tam nông” tuy có nhiều nỗ lực, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ nông thôn còn hạn chế…
Nhận diện những tồn tại của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Huyện ủy Đăk Hà tiếp tục khẳng định việc thực hiện Nghị quyết “tam nông” có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững; phát triển “tam nông” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và xã hội…
Từ quan điểm này, Huyện ủy Đăk Hà đặt ra mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, phát triển hài hòa giữa các vùng; nông dân được đào tạo nghề, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật-công nghệ vào sản xuất, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Đồng thời, xác định phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; nâng cao vị thế của giai cấp nông dân, củng cố khối liên minh công nông trí thức vững chắc…
Văn Nhiên